Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 23/10/2024, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 4700/QĐ-UBND về Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bản tin ITPC xin giới thiệu phần nội dung chính của Quyết định này.
Theo đó, quan điểm phát triển của ngành là:
Phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, đảm bảo về dinh dưỡng cho người sử dụng cũng như thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp xanh.
Nâng cao giá trị gia tăng thông qua chọn lọc và phát triển các sản phẩm chủ lực thiết yếu, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao; tập trung các phân khúc giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, bao gồm ý tưởng sản phẩm, nghiên cứu và phát triển, thiết kế, thương hiệu, bản quyền, phân phối, tiếp thị, bán hàng, hậu mãi, công nghiệp hỗ trợ dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Hướng đến sản xuất thông minh trên ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung phát triển các phần mềm tích hợp vào máy móc thiết bị hiện có, hướng đến làm chủ công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất và năng suất lao động.
Phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm gắn với liên kết vùng nguyên liệu tại các tỉnh thuộc vùng Đông, Tây Nam bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; đầu tư vào các tỉnh lân cận để tận dụng nguồn lực, chi phí thấp.
Phát triển quỹ đất công nghiệp Thành phố ưu tiên thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, có vốn lớn cũng như phát triển toàn diện hệ sinh thái hỗ trợ cho ngành chế biến lương thực thực phẩm.
Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực cũng như hiệu lực quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển ngành là đến năm 2050, ngành chế biến lương thực thực phẩm Thành phố tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của ngành với các tiêu chí an toàn thực phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn xanh, truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững; áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, chuyển từ chế biến thô sang chế biến sâu, chế biến tinh tạo giá trị gia tăng cao; đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng sự thay đổi thường xuyên trong hành vi tiêu dùng của khách hàng, chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; liên kết vùng nguyên liệu, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến lương thực thực phẩm. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành chế biến lương thực thực phẩm của Thành phố để phát huy lợi thế, hình thành liên kết vùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu dùng, đồng thời lan tỏa kết quả đổi mới về sản phẩm và công nghệ; phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm phù hợp với các chiến lược phát triển ngành, Quy hoạch xây dựng vùng và các chiến lược, quy hoạch phát triển khác có liên quan.
Về giải pháp thực hiện, Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 9 giải pháp:
1. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực;
2. Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ;
3. Giải pháp về hỗ trợ và thu hút đầu tư;
4. Giải pháp về hỗ trợ mặt bằng sản xuất;
5. Giải pháp về các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, truyền thông, kết nối cung cầu sản phẩm;
6. Giải pháp về bảo vệ thị trường;
7. Giải pháp về cơ chế, chính sách;
8. Giải pháp về huy động nguồn lực;
9. Giải pháp cụ thể đối với các sản phẩm chia thành 3 nhóm gồm: 9.1. Nhóm sản phẩm định hướng ưu tiên phát triển; 9.2. Nhóm sản phẩm duy trì; 9.3. Nhóm sản phẩm cần liên kết phát triển với các tỉnh.
Dưới đây, Bản tin ITPC trích giới thiệu 6 giải pháp đầu tiên:
1. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực:
- Rà soát, đánh giá nguồn nhân lực dựa trên nhu cầu thực tiễn của thị trường trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình tư vấn, đào tạo chuyên ngành đúng mục tiêu, đối tượng và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn dành cho các cán bộ quản lý, đội ngũ doanh nhân, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề của ngành chế biến lương thực thực phẩm để nâng cao kiến thức chuyên môn, cập nhật công nghệ cốt lõi theo nhu cầu và định hướng phát triển của Thành phố.
- Phối hợp với doanh nghiệp, hội ngành nghề, viện nghiên cứu và các trường đào tạo nhân lực cho ngành chế biến lương thực thực phẩm trong và ngoài nước để xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.
- Tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp về kỹ thuật, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và hệ thống các tiêu chuẩn trên thế giới.
- Đào tạo bồi dưỡng nhân lực phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình về sản phẩm và thị trường cho ngành chế biến lương thực thực phẩm.
2. Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ:
- Xây dựng các chính sách khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, và nâng cao năng lực sản xuất bằng việc áp dụng sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, và phần mềm trong thiết kế, quản lý sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với chính sách đặc thù của Thành phố.
- Xây dựng và quản lý có hiệu quả các cơ sở dữ liệu có liên quan về ngành chế biến lương thực thực phẩm, nâng cao chất lượng của trang thông tin điện tử về ngành.
- Từng bước xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật địa phương ngành chế biến lương thực thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
- Hỗ trợ xây dựng, phát triển các đơn vị nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu của Thành phố hoặc tại doanh nghiệp với các chương trình nghiên cứu trọng điểm, lâu dài nhằm đón đầu xu thế phát triển với các công nghệ cốt lõi của ngành chế biến lương thực thực phẩm; hình thành công nghệ giá trị cao để tiến tới chuyển giao, đầu tư công nghệ cho các vùng kinh tế phía Nam.
- Khẩn trương thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, giúp xây dựng phát triển các vùng nguyên liệu tập trung; ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, hỗ trợ nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung cho ngành chế biến lương thực thực phẩm theo hướng phát triển xanh và bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển công nghệ chuyển đổi số phục vụ cho thực hiện kinh tế tuần hoàn trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy, hải sản và chế biến thực phẩm.
3. Giải pháp về hỗ trợ và thu hút đầu tư:
- Đối với các doanh nghiệp hiện hữu có nhu cầu đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng và đầu tư máy móc hiện đại, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh: Hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2023 quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đối với các dự án đầu tư mới: Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường tại các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch Thành phố.
- Thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ cao, trong đó có cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến lương thực thực phẩm Thành phố tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp này.
- Triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở hiệu quả của các dự án đầu tư, cho vay đối với các dự án đầu tư sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.
4. Giải pháp về hỗ trợ mặt bằng sản xuất:
- Quy hoạch quỹ đất cho ngành chế biến lương thực thực phẩm thông qua chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang phát triển các khu nông nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hình thành các phân khu chức năng theo từng cụm ngành, trong đó có ngành chế biến lương thực thực phẩm.
- Triển khai thực hiện Đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” trong đó ưu tiên thu hút đầu tư ngành chế biến lương thực thực phẩm vào các khu chế xuất, khu công nghiệp theo quy hoạch; triển khai Đề án thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cho ngành chế biến lương thực thực phẩm.
- Hình thành và thúc đẩy mô hình “nhà xưởng cao tầng” để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất.
5. Giải pháp về các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, truyền thông, kết nối cung cầu sản phẩm:
- Đẩy mạnh chương trình trong nước và quốc tế về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tăng cường hoạt động trao đổi, học tập kinh nghiệm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu của ngành chế biến lương thực thực phẩm.
- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn công nghiệp, diễn đàn kinh tế Thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trao đổi thông tin, kết nối, hợp tác kinh doanh; tổ chức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm ưu tiên phát triển và doanh nghiệp tiêu biểu của ngành trên các phương tiện truyền thông.
- Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ngành chế biến lương thực thực phẩm của các tỉnh, Thành phố và khu vực.
- Cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu, xây dựng bản đồ số về sản phẩm và thị trường cho ngành chế biến lương thực thực phẩm; thực hiện các điều tra, khảo sát, thống kê về sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng và công nghiệp hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ngành; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để cung cấp các thông tin về thị trường và luật pháp quốc tế, sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu.
6. Giải pháp về bảo vệ thị trường:
- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
- Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc, sử dụng nguyên liệu thiên nhiên và công nghệ xanh, xuất xứ và chứng thực đáp ứng các yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nguồn: Phòng Thông tin
Tin khác
— 5 Số bài trên trang