Chiến lược và thách thức cho doanh nghiệp ngành lương thực - thực phẩm khi tham gia vào thị trường toàn cầu

Trong khuôn khổ chương trình Triển lãm Quốc tế Ngành Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 (HCMC FOODEX 2023) diễn ra từ ngày 28/6 đến 30/6/2023 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn SECC quận 7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức chuỗi các hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh đối với cộng đồng doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm.

Với mục tiêu cung cấp, cập nhật những thông tin về các yêu cầu của thị trường xuất khẩu; đồng thời, giải đáp vướng mắc về các quy định, tiêu chuẩn cũng như các bước thâm nhập vào thị trường xuất khẩu trên thế giới, ngày 23/6/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ITPC phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA) tổ chức Hội thảo “Chiến lược và thách thức cho doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm khi tham gia vào thị trường toàn cầu”. Đây cũng là hội thảo thứ 04 trong chuỗi 06 Hội thảo chuyên đề của khuôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh 2023 (HCMC FOODEX 2023).

Tham dự Hội thảo có các vị đại biểu: ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch FFA; bà Trần Xuân Trang, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại ITPC; ông Lionel Montages - Phó Chủ Tịch, bộ phận Dịch vụ Sản phẩm Tiêu Dùng TÜV SÜD Việt Nam; bà Nguyễn Thị Chân - Trưởng phòng Thực phẩm, Công ty TÜV SÜD; ông Trương Quốc Bảo - Phó Tổng Giám Đốc BrainGroup Việt Nam. Hội thảo cũng thu hút hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm tham gia.

Chương trình hội thảo tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Rào cản kỹ thuật trong thương mại; xu hướng tiêu dùng và tình hình xuất khẩu của Việt Nam; các quy định nhập khẩu và yêu cầu kỹ thuật của các thị trường lớn; vấn đề Doanh nghiệp SMEs ngành lương thực thực phẩm gặp phải; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm.

Trong những năm qua, ngành chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, thể hiện tầm quan trọng của ngành trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.

Riêng với TP.HCM, lương thực - thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố, chiếm 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp từ 14 - 15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành lương thực, thực phẩm không chỉ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD. Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành lương thực thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc... ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển.

Để ngành chế biến lương thực thực phẩm thành phố tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030. Đây được xem là một trong những chương trình đột phá để thành phố tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn thông qua chương trình lần này sẽ hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm cập nhật thông tin mới nhất về thị trường tiềm năng, xu hướng tiêu dùng, các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng trong sản xuất lương thực thực phẩm;  thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó hướng tới mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm của Việt Nam.

Nguồn: Phòng Thông tin ITPC