Chính phủ Trung Quốc tính nắm "cổ phiếu vàng" của Alibaba, Tencent, động thái gia tăng kiểm soát?
Động thái này cho thấy Bắc Kinh đang muốn nắm quyền kiểm soát lớn hơn tại các doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực internet tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Nhiều năm qua, các cơ quan của Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty tư nhân nổi tiếng từ Didi cho tới Ant Group của Alibaba. Những năm gần đây, khi Bắc Kinh siết quản lý với lĩnh vực công nghệ, các cơ quan của Chính phủ đã thâu tóm cổ phần danh nghĩa - thường là 1% - được gọi là “cổ phần vàng” - tại các công ty này.
Dù hiện chưa rõ Bắc Kinh sẽ sử dụng “cổ phần vàng” đó như thế nào, các nhà phân cho rằng "cổ phần vàng" không chỉ giúp giành một vị trí hoặc có tiếng nói tại các doanh nghiệp mà còn giúp Chính phủ tiếp cận những dữ liệu quan trọng. ByteDance, chủ sở hữu của TikTok và Weibo Corp. một trong những công ty internet lớn đã tiết lộ điều này.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết các cuộc thảo luận về việc thâu tóm "cổ phần vàng" tại Alibaba và Tencent đã bắt đầu nổi lên khi Bắc Kinh chuẩn bị nới lỏng sự kiểm soát đối với lĩnh vực công nghệ sau chiến dịch siết quản lý gắt gao thời gian qua.
Cấu trúc cổ phần này về lý thuyết cho phép Chính phủ đề cử các giám đốc hoặc thay đổi các quyết định quan trọng của công ty. Cấu trúc này cũng mang lại cho các các quan chức một công cụ để gây ảnh hưởng tới toàn ngành công nghệ trong dài hạn.
Theo dữ liệu của Qichacha, một chi nhánh của Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) hôm 4/1 đã tiếp nhận 1% cổ phần của một công ty con truyền thông kỹ thuật số của Alibaba ở Quảng Châu. Danh mục kinh doanh truyền thông của Alibaba gồm các doanh nghiệp như nền tảng phát trực tuyến Youku, trình duyệt di động UC Web... Cùng ngày, một giám đốc mới có cùng tên với một quan chức CAC đã được bổ nhiệm.
Dữ liệu cũng cho thấy quỹ đã mua vào cổ phiếu Alibaba được hậu thuẫn bởi CAC và các công ty nhà nước đình đám như CITIC, China Post và China Mobile Ltd. Theo một nguồn tin của Bloomberg, hiện tại, các cuộc thảo luận về việc một cơ quan chính phủ mua cổ phần tương tự tại một công ty con của Tencent tại Trung Quốc đại lục cũng đang được thảo luận.
Theo các nhà phân tích, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc, với mong muốn vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang đảo ngược chiến dịch siết chặt quản lý trước đó, bao gồm chống nghiện game, và chuẩn bị “cỏi trói” cho các công ty như Alibaba.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đang cân nhắc các phương thức để hỗ trợ ngành công nghệ. Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 13/1, ông Ma Jianyang, một quan chức của PBOC, cho biết ngân hàng trung ương sẽ nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ tài chính hướng tới sự phát triển lành mạnh của các công ty công nghệ.
Trong bối cảnh đó, Didi Global Inc., một trong những nạn nhân lớn nhất của chiến dịch siết quản lý của Chính phủ, có thể sẽ được chấp thuận để chạy lại ứng dụng gọi xe công nghệ ngay trong tuần tới, theo nguồn tin từ Reuters.
Theo Financial Times, Chính phủ Trung Quốc sẽ nắm khoảng 1% cổ phần trực tiếp tại Alibaba và Tencent. Sức ảnh hưởng này càng lớn của Chính phủ có thể sẽ gia tăng sự giám sát với các công ty này bên ngoài Trung Quốc và làm chậm quá trình phát triển của họ. Bắc Kinh hiện đã nắm “cổ phần vàng” tại ByteDance - công ty mẹ của TikTok và Kuaishou.
Sau khi đột ngột nới lỏng chính sách chống dịch Zero Covid vào đầu tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng có những thay đổi tích cực khác với thị trường. Nước này dự kiến chấm dứt lệnh cấm nhập khẩu than đá đã kéo dài 2 năm qua với Australia, nới lỏng hạn chế với các “đại gia” công nghệ và đưa ra các biện pháp “giải cứu” lĩnh vực bất động sản đang chìm trong khủng hoảng.
Câu hỏi đặt ra là liệu những thay đổi lớn về chính sách này có hướng đến sự linh hoạt đã giúp nền kinh tế Trung Quốc cất cánh trong 4 thập kỷ qua, hay chỉ đơn giả là phản ứng tức thời khi nền kinh tế đang đi xuống.
Cổ phiếu Alibaba và Tencent gần như không có biến động mạnh trên thị trường Hồng Kông sau những tin tức trên.
“Với tôi, đây là tin tức khá tích cực. Cả Alibaba và Tencent đều đã chật vật với chiến dịch siết quản lý của Chính phủ những năm gần đây. Với cả hai công ty này, cổ phần mà Chính phủ nắm giữ có thể giúp họ được ‘bật đèn xanh’ để kinh doanh trong các lĩnh vực mới và giảm rủi ro bị siết chặt quản lý hơn nữa”, ông Banny Lam, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Ceb International Inv Corp Ltd. nhận xét.
Nguồn; TBKTVN