Chính sách điều hành kinh tế của Việt Nam đang đi đúng hướng

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, trao đổi về những động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế từ nay đến cuối năm.

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Chính phủ đã chỉ rõ các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của năm nay, bao gồm tiêu dùngđầu tư và xuất khẩu. Ông có cho rằng, những yếu tố này đã đủ để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng như mong muốn?

Phía cầu của nền kinh tế bao gồm chi tiêu của Chính phủ, đầu tư và tiêu dùng tư nhân, xuất khẩu ròng. Từ đầu năm đến nay, tốc độ xuất nhập khẩu có thể chậm lại do những khó khăn kinh tế toàn cầu, cần thêm thời gian để phục hồi. Đáng chú ý là, trong khi Việt Nam duy trì thặng dư thương mại, lĩnh vực xuất khẩu của nền kinh tế lại chủ yếu dựa vào gia công và do đó chịu tác động đáng kể khi xuất khẩu giảm hơn 12%, mặc dù nhập khẩu cũng giảm với tốc độ lớn hơn.

Nền kinh tế phụ thuộc vào nhu cầu trong nước với tư cách là động lực tăng trưởng, trong đó Chính phủ vẫn có dư địa tài khóa đáng kể để thúc đẩy chi tiêu công. Hiện nay, tiêu dùng tư nhân đang phải đối diện với mặt trái của chu kỳ kinh doanh. Kinh tế khó khăn buộc người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng” và doanh nghiệp cũng khó có cơ hội đầu tư vì nhu cầu trong và ngoài nước yếu.

Do đó, Chính phủ có thể giúp thúc đẩy nhu cầu và tiêu dùng tư nhân thông qua chính sách tài khóa, trong đó đầu tư công đóng vai trò quan trọng.

Ông đánh giá thế nào về tác động từ việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công?

Trong 7 tháng đầu năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 40% kế hoạch năm. Việc giải ngân phần còn lại sẽ là một thách thức lớn và mục tiêu này phải được hoàn thành nếu Chính phủ muốn kích cầu hiệu quả. Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công có thể tạo thêm việc làm và thu nhập, đồng thời giúp thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Ngoài ra, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp nhằm cắt giảm thuế và phí. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, bất kỳ chính sách nào cũng cần thời gian để phát huy tác dụng, điều này phụ thuộc vào niềm tin, tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Hơn nữa, Chính phủ cũng có thể xem xét hỗ trợ nhiều hơn cho người lao động, đặc biệt là những người thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, với một số hình thức trợ cấp để bù đắp cho thu nhập bị giảm. Chính phủ cũng có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp để đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng cho người lao động khi thích hợp, để chuẩn bị cho sự phục hồi khi các doanh nghiệp sẽ cần một lượng lớn nhân viên có tay nghề cao.

Còn về khả năng phục hồi của Việt Nam trước những cơn gió ngược toàn cầu thì sao, thưa ông?

Nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất cao, với kim ngạch xuất khẩu bằng gần 80% GDP và tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP hiện đạt trên 150%. Điều này có nghĩa kinh tế Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước bất kỳ cú sốc nào từ nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, các chính sách tiền tệ và tài khóa đã khá linh hoạt và thận trọng. Ví dụ, khi có nguy cơ lạm phát, Chính phủ đã tăng lãi suất và khi lạm phát được kiểm soát, Chính phủ cũng điều chỉnh chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, ví dụ việc thực hiện chính sách chậm và đôi khi không hiệu quả.

Hiện nay, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam phần lớn dựa vào tiêu dùng trong nước. Trong nửa đầu năm nay, 2,5/3,72% tăng trưởng kinh tế là từ tiêu dùng và tiêu dùng lại đang đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính. Đây có thể là một nguồn lực phục hồi cho nền kinh tế.

Theo tính toán, nền kinh tế phải tăng trưởng 8-9% trong 6 tháng cuối năm thì Việt Nam mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng. Ông có cho rằng điều này là khả thi?

Các mục tiêu tăng trưởng thường có ý nghĩa định hướng cho các biện pháp chính sách. Liệu chúng có thể được hiện thực hóa hay không sẽ phụ thuộc vào các phản ứng chính sách và mức độ hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách đó.

Hiện nay, hầu hết các định hướng chính sách do Chính phủ đề ra đều khá hợp lý, nhưng trong một số trường hợp, việc thực hiện chúng như thế nào để đạt được hiệu quả như mong muốn lại là một câu chuyện khác. Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội phải nỗ lực hết sức để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6-6,5% và hàng loạt chính sách đã được ban hành để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, vì một số biện pháp được đưa ra sau quý II, nên sẽ cần thêm thời gian để xem hiệu quả của chúng.

Có lẽ chúng ta phải đợi đến cuối tháng 9, khi số liệu chính thức của quý III được công bố, mới có thể biết các chính sách đã ban hành chuyển thành hiện thực như thế nào, mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Chính phủ có thể có những điều chỉnh chính sách tiếp theo.

Dự báo của ADB về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay là gì?

Trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 7/2023, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 5,8% năm 2023 và từ 6,8% xuống 6,2% năm 2024, so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.

Việc điều chỉnh dự báo được dựa trên một số yếu tố, trong đó đáng chú ý nhất là tác động của điều kiện bên ngoài khiến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam dự báo tiếp tục gặp khó khăn. Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nền kinh tế châu Á khác đang kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn tương đối thấp, với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 4,5%.

Nguồn: Báo Đầu tư