Tận dụng cơ hội giá gạo xuất khẩu tăng nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực

Sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 25, chia làm 2 đợt, đợt 1 từ 14 - 18/8, đợt 2 từ 24-25/8.

Ngoài công tác xây dựng pháp luật và giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn tổ chức hoạt động chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tư pháp, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở ý kiến của 53 đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đã tổng hợp thành 132 nhóm vấn đề đề xuất chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn 2 nhóm nội dung quan trọng nhất để chất vấn.

Trong đó, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tư pháp là việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Trong nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Đề cập nội dung này, Chủ tịch Quốc hội nói: "Các đồng chí biết tình hình lương thực trên thế giới một số nước cấm xuất khẩu gạo, một số nước rút khỏi thỏa thuận lương thực nên giá gạo tăng lên. Ta tận dụng cơ hội này như thế nào mà vẫn đảm bảo được ổn định thị trường và an ninh lương thực trong nước là bài toán cần phải tính toán để đạt được cái đa mục tiêu trong giai đoạn này", Chủ tịch Quốc hội nói. 

Tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến 5 chuyên đề giám sát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo Chủ tịch Quốc hội, giám sát là hoạt động quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cử tri, nhân dân hết sức mong đợi. Do đó sẽ phát thanh truyền hình trực tiếp phiên giám sát để cử tri theo dõi, góp phần phát huy tính dân chủ pháp quyền, công khai minh bạch cho hoạt động giám sát Quốc hội.

Về chuyên đề giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tại phiên họp tháng 7, lãnh đạo Quốc hội cũng đã có 1 ngày cho ý kiến vấn đề này.

"Đây là cuộc giám sát mà cơ quan chủ trì là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chuẩn bị khá công phu. Chiều nay Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo và ra nghị quyết với chuyên để rất quan trọng này", Chủ tịch Quốc hội nói.

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội thông tin, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 12 dự án luật, nghị quyết, trong đó có những luật được cử tri rất quan tâm, đặc biệt là 3 dự án Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi.

Đây là các dự án luật lớn, có tác động sâu sắc tới kinh tế - xã hội và liên quan mật thiết với nhau. Do đó, khi thông qua cần có sự thống nhất cao để khơi thông nguồn lực cho phát triển, đồng thời tránh sự chồng chéo, sơ hở, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội là lưới an sinh quan trọng, cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều rất quan tâm.

"Vừa rồi, lần đầu tiên lãnh đạo Quốc hội đối thoại với anh chị em công nhân thì bảo hiểm xã hội cũng là vấn đề rất thời sự, rất được quan tâm", ông Vương Đình Huệ nói.

Nguồn: Báo Đầu tư