Cử nhân thất nghiệp: “Vết sẹo” kinh tế Trung Quốc
Nhiều người trong số họ chấp nhận công việc được trả lương thấp hoặc yêu cầu kỹ năng thấp hơn so với những gì họ có, số khác chịu cảnh không công ăn việc làm.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị trong độ tuổi từ 16-24 ở Trung Quốc trong tháng 4/2023 là 20,4%, cao chưa từng thấy và cao gấp 4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp tổng thể. Áp lực thất nghiệp sẽ tăng lên khi Trung Quốc có thêm hàng triệu sinh viên đại học tốt nghiệp trong năm nay.
“Cuối cùng, bong bóng đại học cũng đang vỡ tung. Sự mở rộng của giáo dục đại học vào cuối thập niên 1990 đã tạo ra dòng chảy cử nhân khổng lồ này. Tuy nhiên, có sự chênh lệch giữa nhu cầu và nguồn cung lao động kỹ năng cao. Nền kinh tế vẫn chưa bắt kịp được”, giáo sư xã hội học Yao Lu thuộc Đại học Columbia ở New York nói với hãng tin CNBC.
NAN GIẢI TÌNH TRẠNG KHIẾM DỤNG LAO ĐỘNG
Tình trạng không có công việc phù hợp cũng là một vấn đề mà lao động trẻ và các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phải đương đầu.
Trong một nghiên cứu mà giáo sư Lu và giáo sư Xiaogang Li thuộc Đại học Giao thông Tây An là đồng tác giả, nghiên cứu này ước tính rằng ít nhất 1/4 số cử nhân mới ra trường ở Trung Quốc có công việc thấp hơn kỹ năng - hay còn gọi là tình trạng khiếm dụng lao động - chưa kể đến tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên ở giới trẻ. “Ngày càng có nhiều cử nhân chấp nhận những công việc không phù hợp với kỹ năng mà họ được đào tạo, chỉ để tránh cảnh thất nghiệp”, ông Lu nói với CNBC.
Khiếm dụng lao động xảy ra khi người lao động phải nhận những công việc kỹ năng thấp hoặc có thu nhập thấp hơn mức đáng có, đôi khi là công việc bán thời gian, vì họ không thể tìm được những công việc toàn thời gian phù hợp với kỹ năng của mình. “Trước đây, những công việc này chủ yếu thuộc về những người không có bằng đại học”, ông Lu nói thêm.
Hiệu ứng “vết sẹo kinh tế” của việc ra trường vào đúng một thời điểm kinh tế khó khăn đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác. Một nghiên cứu của Đại học Stanford, Mỹ, cho thấy cử nhân tốt nghiệp và bắt đầu đi làm trong thời kỳ suy thoái kinh tế hoặc tăng trưởng kinh tế suy giảm ở nước này phải chịu cảnh thu nhập thấp hơn trong suốt 10-15 năm so với những người ra trường khi kinh tế phồn thịnh.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy 6 triệu trong số 32 triệu lao động từ 16-24 tuổi ở thành thị nước này đang trong tình trạng thất nghiệp. Từ con số này, Ngân hàng Goldman Sachs ước tính rằng hiện đã có thêm 3 triệu lao động trẻ ở thành thị Trung Quốc thất nghiệp so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Điều này làm gia tăng tính cấp bách buộc Chính phủ Trung Quốc phải hành động.
“Triển vọng công ăn việc làm suy giảm tất yếu sẽ dẫn tới tâm lý bất mãn ở giới trẻ. Cảm giác thất bại trong việc đảm bảo đời sống vật chất có thể dẫn tới bất ổn xã hội”, Giám đốc Shehzad Qazi của tổ chức nghiên cứu China Beige Book nhận định.
Với việc dân số đang già hoá và giảm của Trung Quốc sẽ dẫn tới sự suy giảm của số dân tham gia hoạt động kinh tế, ảnh hưởng của tình trạng thất nghiệp và khiếm dụng lao động ở giới trẻ “có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng rất tiêu cực trong nền kinh tế”, giáo sư Lu nhận định.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới có tỷ lệ thất nghiệp hai con số ở giới trẻ, nhưng hầu như không một nước nào khác gặp phải vấn đề này ở quy mô như của Trung Quốc, theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
NHỮNG BẤT CÂN XỨNG DAI DẲNG
Bắc Kinh nhận thức rất rõ tính nghiêm trọng của vấn đề. Hồi tháng 4, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố một kế hoạch gồm 15 điểm nhằm kết nối tối ưu giữa việc làm và người trẻ tìm việc. Kế hoạch bao gồm hỗ trợ đào tạo kỹ năng và các chương trình thực tập sinh, cam kết mở rộng tuyển dụng tại các doanh nghiệp quốc doanh và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên mới ra trường và lao động nhập cư.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc giải quyết những mất cân đối căn bản là việc khó khăn hơn nhiều.
“Trong nhiều xã hội, bao gồm Trung Quốc, thường có một sự thiếu kết nối giữa thị trường lao động và các tổ chức giáo dục bậc cao, hai bên thường không có sự trao đổi. Các trường đại học cũng có cảm nhận đôi chút về tình hình thị trường lao động và mong muốn của nhà tuyển dụng, nhưng hiểu biết đó của họ thường lỗi thời và có thể bị bóp méo hết lần này đến lần khác”, giáo sư Lu nhận định.
Ngoài ra, còn có sự bất cân xứng giữa kỳ vọng luôn thay đổi của những người trẻ có trình độ học vấn cao với thực trạng một nền kinh tế không thể đáp ứng những kỳ vọng đó.
“Do học vấn ngày càng tăng lên, đối với cả nam giới và nữ giới, người trẻ không còn sẵn sàng làm những công việc ở nhà máy nữa”, giáo sư xã hội học Jean Yeung thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhận định.
Theo một báo cáo của Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ gia tăng, nước này dự báo đến năm 2025 sẽ có gần 30 triệu công việc trong ngành sản xuất không có người làm. Con số đó tương đương gần một nửa tổng số việc làm trong ngành sản xuất ở Trung Quốc...
Nguồn: TBKTVN