Trung Quốc nhanh chóng kích thích tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng
Nỗ lực trên nhằm thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm cải thiện thu nhập cho hộ gia đình, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân và ổn định việc làm cho thanh niên, ông Jin Xiandong, một quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) nêu tại cuộc họp báo hàng tháng tổ chức tại Bắc Kinh.
Theo ông Jin Xiandong, sự phục hồi kinh tế liên tục của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhu cầu thiếu hụt, động lực tăng trưởng yếu và niềm tin tiêu dùng còn thấp.
"Sức mua và kỳ vọng của người tiêu dùng tương đối thấp, trong khi cơ sở hạ tầng dành cho tiêu dùng và môi trường cần phải cải thiện", ông Jin nói thêm.
Những số liệu kinh tế quan trọng được công bố ngày 17/7 đã thấp hơn dự báo, khiến giới phân tích và các nhà giao dịch nuôi hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế này trong quý II/2023 đã tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 7,3%.
Kết quả quý II đánh dấu mức tăng trưởng 0,8% so với quý đầu tiên và chậm hơn so với tốc độ tăng 2,2% được ghi nhận trong quý I.
Đặc biệt, nếu so với nền tăng trưởng thấp của năm ngoái do lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19 ở Thượng Hải, tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 6/2023 đã giảm còn 3,1%, bằng 1/4 mức tăng trưởng của tháng 5.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong những tuần gần đây đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể sẽ thận trọng và có mục tiêu trong việc đưa ra chính sách hỗ trợ.
Về phía Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, ông Jin Xiandong khẳng định: "Chúng tôi sẽ nhanh chóng xây dựng và đưa ra các chính sách để khôi phục và mở rộng tiêu dùng, đồng thời ban hành các chính sách nhằm ổn định tiêu dùng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu thụ ô tô và các sản phẩm điện tử, mở rộng tiêu dùng ở nông thôn và tối ưu hóa môi trường tiêu dùng".
"Các biện pháp chính sách hiệu quả sẽ được thực hiện càng sớm càng tốt", ông Jin Xiandong nhấn mạnh.
Vài giờ sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố kế hoạch 11 điểm nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa đối với các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gia đình.
Kế hoạch cũng bao gồm một chỉ thị cho chính quyền địa phương đẩy mạnh cải tạo những ngôi nhà cũ, khuyến khích cải tiến các nền tảng thương mại trực tuyến và phát triển khái niệm "thành phố 15 phút".
Đại diện Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng tuyên bố sẽ giải quyết tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục của thanh niên nước này, ở mức 21,3% trong tháng 6 - gần gấp bốn lần tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,2%.
Ông Jin Xiandong cho biết thêm, để giải quyết các vấn đề việc làm liên quan đến các nhóm lao động cụ thể như sinh viên tốt nghiệp đại học, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia sẽ "tăng cường đảm bảo về dịch vụ và chính sách, đẩy mạnh hỗ trợ ổn định và mở rộng việc làm". Ủy ban cũng sẽ nỗ lực giúp những người trẻ tuổi khai thác năng lượng sáng tạo và kinh doanh của họ, tăng cường dịch vụ việc làm cho thanh niên và đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp để sinh viên tốt nghiệp đại học dễ có việc làm hơn.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng sẽ tìm cách cải thiện tiền lương, đảm bảo tiền lương tăng tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, tăng trưởng tiền lương hợp lý là một khía cạnh quan trọng trong việc thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một quan chức khác của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, bà Li Hui, cho biết cơ quan này sẽ tăng cường cải cách các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời dỡ bỏ các rào cản thể chế để giúp doanh nghiệp tư nhân gia tăng sức cạnh tranh.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng sẽ tích cực tương tác với khu vực tư nhân để hiểu rõ hơn nhu cầu của họ cũng như đánh giá hiệu quả chính sách.
Bên cạnh đó, ông Jin Xiandong cho biết Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia sẽ tăng cường nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm tăng cường trao đổi với các phòng thương mại nước ngoài để hiểu và giải quyết các vấn đề một cách kịp thời.
Cam kết trên tái khẳng định quan điểm được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong tháng 6, khi ông nói rằng Trung Quốc sẽ "thúc đẩy mạnh mẽ việc mở cửa ở cấp độ cao và bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài theo luật".
Những khẳng định trên được đưa ra khi Mỹ đang cân nhắc hạn chế đầu tư vào Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến toàn cầu giành ưu thế công nghệ đang leo thang.
Đầu tháng 7, Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với kim loại sản xuất chip và một số hợp chất - một tuyên bố mà Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định là đã thông báo trước cho Mỹ và châu Âu.
Trước đó vào tháng 10/2022, Mỹ đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn hoạt động xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn quan trọng sang Trung Quốc.
Nguồn: Báo Đầu tư