Dầu thô trượt giá 1,5% sau kết quả tăng trưởng quý II của Trung Quốc

Theo số liệu được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 17/7, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2023 đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo của các nhà phân tích là 7,3%, do nhu cầu trong và ngoài nước đều suy yếu.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là cố gắng duy trì đà phục hồi kinh tế khi mà tốc độ tăng trưởng đã chậm lại 0,8% so với quý trước.

"GDP đạt được dưới mức mong đợi, nên điều đó sẽ không làm giảm bớt những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc", ông Warren Patterson, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại tập đoàn tài chính ING (Hà Lan), nhận định.

Thị trường dầu mỏ phản ứng đi xuống sau kết quả tăng trưởng kinh tế quý II của Trung Quốc gây thất vọng. Giá dầu thô Brent đã giảm 1,12 USD, tương đương 1,4%, xuống 78,75 USD/thùng vào lúc 08:10 (giờ GMT) ngày 17/7, còn dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,09 USD, tương đương 1,5%, xuống 74,33 USD/thùng. Kết quả này đánh dấu ngày trượt giá thứ hai liên tiếp của cả dầu Brent và WTI.

Tuần trước, dầu Brent và WTI đã lập mốc ba tuần tăng giá và chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2023, nhờ nỗ lực kiềm chế sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, cộng thêm sự cố ngừng hoạt động ngoài ý muốn của một số mỏ dầu ở Libya và Nigeria.

Giá dầu ngày 17/7 cũng chịu áp lực từ việc nối lại sản lượng của Libya khi hai trong số ba mỏ dầu tại đây hoạt động trở lại.

Bà Charu Chanana, chiến lược gia thị trường của công ty môi giới tài chính Saxo Capital Markets (Singapore), cho rằng: "Những lo ngại về nguồn cung đã giảm bớt khi một mỏ dầu ở Libya tiếp tục hoạt động". Tuy nhiên, chiến lược gia này lưu ý rằng "kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ vẫn được neo ở mức cao hơn, cho thấy rủi ro về lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn", đang củng cố thêm những lo ngại về nhu cầu dầu mỏ.

Mặt khác, thị trường xuất hiện thêm dấu hiệu cho thấy nguồn cung sẽ bị thắt chặt hơn. Hai nguồn tin của Reuters cho hay, xuất khẩu dầu của Nga từ các cảng phía Tây sẽ giảm từ 100.000 - 200.000 thùng/ngày vào tháng tới và điều này cho thấy Moscow đang thực hiện tốt cam kết cắt giảm nguồn cung song song với Saudi Arabia.

Giá dầu thô Urals xuất khẩu từ Nga đã vượt qua trần giá 60 USD/thùng do liên minh bảy cường quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đặt ra để hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Moscow. Theo Bloomberg, điều này có khả năng gây thêm rắc rối về ngân hàng và hệ thống vận chuyển cho các bên nhập khẩu dầu Nga, bao gồm cả phía Ấn Độ và Trung Quốc, bởi một nhà cung cấp dịch vụ bảo vệ và bồi thường đã cảnh báo có thể xảy ra sự chậm trễ từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và kỹ thuật.

Nguồn: Báo Đầu tư