Doanh nghiệp Trung Quốc lao đao vì thừa công suất

Trong lúc phương Tây lo ngại vì hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường tại các quốc gia này, một câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Trung Quốc. Nỗ lực tăng công suất của Bắc Kinh không đi kèm với các biện pháp kích thích nhu cầu đang dẫn tới tình trạng dư thừa, khiến nhiều nhà sản xuất lao đao.

Jiangsu Lopal Tech, một công ty chuyên cung cấp vật liệu lithium sắt phốt phát để sản xuất pin, là một ví dụ. Năm 2023, công ty lỗ 169 triệu USD, gần như xóa sạch lợi nhuận của 3 năm trước đó. Báo cáo tài chính của công ty cho biết khoản lỗ này xuất phát từ tình trạng thừa mứa công suất trên thị trường lithium sắt phốt phát và sự giảm tốc nhu cầu của thị trường pin trong nước.

GIÁ HÀNG HÓA TRƯỢT DỐC, DOANH NGHIỆP THUA LỖ

Theo tờ báo Wall Street Journal, những trường hợp giống như Jiangsu Lopal Tech là không hề hiếm trong làng doanh nghiệp Trung Quốc. Dôi dư công suất tràn lan cộng thêm nhu cầu tiêu dùng yếu đang đẩy nhiều công ty ở nước này tới bờ vực sụp đổ, buộc họ phải giảm mạnh giá bán sản phẩm và chấp nhận lợi nhuận bèo bọt.

Trong bối cảnh bong bóng bất động sản (nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm qua) xì hơi, Bắc Kinh hướng dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, nhà chức trách lại không có những biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tiêu dùng nhằm hấp thụ nguồn cung gia tăng. Một phần nguyên nhân dẫn tới sự mất cân đối này nằm ở việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem việc tiêu dùng như ở các nền kinh tế phương Tây, nhất là Mỹ, là lãng phí và trái ngược với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghiệp và công nghệ.

Chủ trương này đã được Bắc Kinh tái khẳng định tại Hội nghị Trung ương 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện định kỳ 5 năm một lần diễn ra mới đây. Hội nghị nêu rõ để chống lại khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc phát triển “các ngành công nghiệp mới nổi và của tương lai” như ô tô điện và năng lượng mặt trời.

Dư thừa công suất dẫn tới giá hàng hóa mà nhà sản xuất bán ra tại cổng nhà máy đã giảm liên tục trong khoảng 2 năm qua. Xu hướng giảm kéo dài này đang kéo toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc tới bờ vực giảm phát và bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp. Khoảng 1/4 số công ty niêm yết ở thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục hiện không có lãi, so với tỷ lệ chỉ 7% cách đây 1 thập kỷ, theo một phân tích của Wall Street Journal.

Longi Green Energy Technology, một công ty sản xuất môđun điện mặt trời, đầu tháng 7/2024 dự báo khoản lỗ 661 triệu USD trong nửa đầu năm 2024, với nguyên nhân là tình trạng dư thừa công suất trong ngành công nghiệp điện mặt trời ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, áp lực dư thừa đó không chỉ tập trung ở những ngành công nghệ mới, mà còn lan sang cả các ngành chế tạo máy móc, đồ điện tử và phần mềm. Trong một thông báo gửi cổ đông, Công ty thép Angang Steel cho biết thua lỗ trong nửa đầu năm 2024 có thể lên tới 370 triệu USD, gấp đôi mức lỗ cùng kỳ năm 2023. Công ty nói rằng toàn ngành thép Trung Quốc đang đương đầu với áp lực từ giá cả tụt dốc và nhu cầu yếu.

Để bù lại doanh số ảm đạm tại thị trường nội địa, các công ty Trung Quốc hướng ra xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 của nước này tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang đe dọa việc làm và doanh nghiệp ở các quốc gia khác, tương tự như “cú sốc Trung Quốc” cách đây 1/4 thế kỷ, khi việc nước này gia nhập hệ thống thương mại toàn cầu bóp nghẹt các nhà sản xuất đồ chơi, quần áo, đồ nội thất và các sản phẩm có hàm lượng nhân công cao ở Mỹ và nhiều quốc gia khác. Hệ quả là các hàng rào thương mại đối với hàng Trung Quốc dâng lên.

Nhiều quốc gia đã thể hiện quan điểm cương quyết không hấp thụ hàng hóa dư thừa của Trung Quốc.

Cựu Tổng thống Donald Trump - ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 - đã đề xuất ý tưởng áp thuế quan 60% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã áp thuế quan bổ sung lên tới gần 40% lên ô tô điện Trung Quốc. Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đang siết chặt việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc thông qua các biện pháp hạn chế và các cuộc điều tra chống bán phá giá.

“Một mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư chỉ có thể mang lại hiệu quả đến vậy vì xét cho cùng cần phải có nhu cầu. Ở Trung Quốc đang bắt đầu có sự thức tỉnh”, chuyên gia Logan Wright của Công ty tư vấn Rhodium Group, nhận định.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn cho rằng thế giới hưởng lợi từ hàng hóa giá rẻ từ nước này, đồng thời chỉ trích các quốc gia khác dùng những lời phàn nàn về dư thừa công suất làm cái cớ để bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước.

PHÉP ĐÁNH ĐỔI ĐỂ CÓ TĂNG TRƯỞNG TRONG NGẮN HẠN

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dư thừa công suất là một hệ quả đã được đoán trước về hệ thống kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh có thói quen hướng dòng vốn đầu tư chảy vào những ngành mà họ ưa chuộng, thông qua các biện pháp trợ cấp, ưu đãi thuế và vốn vay của các ngân hàng quốc doanh cũng như quỹ đầu tư nhà nước. Điều này khiến doanh nghiệp có động lực để đổ xô vào những lĩnh vực như vậy và tăng công suất. Chẳng hạn, ngành ô tô của Trung Quốc đang ở trong một cuộc chiến giá cả tàn khốc vì hơn 100 công ty sản xuất ra số lượng xe điện nhiều gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ hàng năm trong nước.

So với đầu năm 2022, dư nợ bất động sản tại các ngân hàng thương mại Trung Quốc hiện đi ngang, trong khi đó, dư nợ cho vay công nghiệp tăng hơn 60%.

Đối với Bắc Kinh, một phần của tình trạng dư thừa công suất hiện nay là có thể chấp nhận, để đổi lấy những mục tiêu khác: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn; cải thiện năng suất để bù lại sự suy giảm của lực lượng lao động; giành thế dẫn đầu trong những ngành như năng lượng sạch, ô tô điện và điện toán tiên tiến; giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây trong bối cảnh Mỹ và một số nước đồng minh của Mỹ siết chặt việc bán công nghệ cho Trung Quốc.

Dư thừa công suất ở Trung Quốc đã, đang và sẽ dẫn tới những vụ vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, khác với nhiều quốc gia khác, ở Trung Quốc, Nhà nước giữ một vai trò đi đầu về quyết định công ty nào có thể sống tiếp và công ty nào không thể tiếp tục tồn tại. Trước kia, khi thua lỗ chồng chất ở những ngành tăng trưởng nóng như thép và năng lượng mặt trời, Chính phủ Trung Quốc đã rút bớt trợ cấp, yêu cầu doanh nghiệp giảm công suất, hợp nhất nhiều công ty nhỏ vào những doanh nghiệp lớn hơn, có sức cạnh tranh và có khả năng sinh lời tốt hơn.

Nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc cố gắng cầm cự nhờ vốn tín dụng từ các ngân hàng quốc doanh hoặc các quỹ đầu tư nhà nước. Hãng sản xuất ô tô Zhido phá sản vào năm 2019. Năm 2024, công ty này được Nhà nước bơm vốn nên đã trình làng được một mẫu xe mới và chuẩn bị ra mắt hơn một chục mẫu xe mới khác.

Để tồn tại, các công ty Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm thị trường ở nước ngoài, đầu tư vào sản xuất ở nước ngoài, hoặc chấp nhận gồng lỗ để bán được sản phẩm ở những thị trường mà họ bị áp thuế quan. Tuy nhiên, cách làm này hạn chế khả năng của họ trong việc đầu tư vào sản phẩm mới, nâng lương hoặc thuê thêm nhân sự trong nước.

Xét cho cùng, bằng cách tăng nguồn cung nhiều hơn nhu cầu, Trung Quốc đang đánh đổi tăng trưởng trong tương lai lấy tăng trưởng ở thời điểm hiện tại, theo nhà kinh tế trưởng Louise Loo của công ty Oxford Economics. “Những gì đang được sản xuất bây giờ sẽ không được sản xuất trong tương lai nữa”, bà Loo cho biết.

Nguồn: TBKTVN