Quốc gia nơi cứ 950 người lại có 1 cửa hàng tiện lợi

Tại hầu hết các nơi trên thế giới, bưu điện, ga tàu điện ngầm, nhà hàng, ATM là những địa điểm riêng biệt. Nhưng ở Hàn Quốc, tất cả những tiện ích đó cùng nhiều tiện ích khác đều có sẵn tại các cửa hàng tiện lợi – loại hình bán lẻ xuất hiện dày đặc tại nước này, đặc biệt là các thành phố lớn.

MẬT ĐỘ ẤN TƯỢNG, PHONG CÁCH "TẤT CẢ TRONG MỘT"

Theo hãng tin CNN, Hàn Quốc được mệnh danh là “vua cửa hàng tiện lợi thế giới”. Số liệu từ Hiệp hội Cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc cho thấy, tính tới cuối năm 2023, số lượng cửa hàng tiện lợi tại quốc gia này là 55.200.

Theo đó, với 52 triệu dân, mật độ cửa hàng tiện lợi trên đầu người của nước này là gần 1 trên mỗi 950 người, vượt qua Nhật Bản và Đài Loan – hai nơi cũng có mật độ loại hình cửa hàng này dày đặc.

“Ngành công nghiệp cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc nổi bật không chỉ về mật độ ấn tượng mà còn về chiến lược sáng tạo”, ông Chang Woo-cheol, giáo sư về ngành dịch vụ du lịch và ẩm thực tại đại học Kwangwon ở Seoul, nhận xét. “Đây trở thành một kênh bán lẻ vô cùng quan trọng, với thị phần doanh số bán lẻ cao thứ hai tại Hàn Quốc”.

Điều này hoàn hoàn khác biệt với các quốc gia như Mỹ, nơi các cửa hàng tiện lợi thường gắn liền với các trạm xăng hoặc trung tâm mua sắm, hiếm khi xuất hiện tại các khu vực dân cư, một phần do luật quy hoạch. Tại các thành phố lớn ở Hàn Quốc như thủ đô Seoul, cửa hàng tiện nơi xuất hiện khắp nơi, đôi khi có nhiều cửa hàng thuộc nhiều các công ty khác nhau trên cùng một con phố.

“Các cửa hàng tiện lợi mở cửa cả ngày và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống bận rộn thường ngày của chúng tôi”, ông Chang chia sẻ và mô tả ngành này là “một câu chuyện thành công toàn cầu”.

Vậy điều gì làm nên câu chuyện thành công này?

Theo các nhà phân tích, một trong những yếu tố giúp cửa hàng tiện lợi trở nên phổ biến ở Hàn Quốc nằm ở chính tên gọi, đó là sự tiện lợi với mọi tiện ích có sẵn ở cùng một nơi.

Tại đây bán đủ thứ tư đồ ăn, đồ uống cho tới đồ dùng gia đình, dịch vụ tiện ích. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể sạc điện thoại, thanh toán hóa đơn, rút tiền, đặt hàng trực tuyến và nhận hàng giao. Thậm chí, tại một số nơi, khách hàng có thể sạc xe điện, đổi ngoại tệ và gửi thư quốc tế.

“Cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc không chỉ là nơi người ta có thể ngồi quanh một chiếc bàn để uống bia vào đêm muộn mùa hè, mà còn còn là nơi cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu”, Deloitte Korea viết trong một báo vào năm 2020, mô tả loại hình cửa hàng này của Hàn Quốc đã “thu hút khách hàng nhờ sự cực kỳ tiện lợi”.

Ngoài ra, đồ ăn tại đây cũng đa dạng, từ canh miso ăn liền cho tới mì ly với đủ mọi khẩu vị, đồ ăn vặt, kimbap, onigiri hay các suất ăn chế biến sẵn.

Cùng với đó là khu vực ngồi ăn ngay trong cửa hàng, lò vi sóng và nước nóng có sẵn. Nhờ vậy, các cửa hàng tiện lợi trở thành điểm đến quan trọng với các nhân viên văn phòng muốn ăn trưa nhanh, người ăn đêm hoặc sinh viên vội lên lớp.

Một nhân viên văn phòng ăn trưa tại một cửa hàng tiện lợi ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: Reuters

Một nhân viên văn phòng ăn trưa tại một cửa hàng tiện lợi ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: Reuters

“Nhu cầu với các cửa hàng tiện lợi tăng mạnh những năm qua khi Hàn Quốc ngày càng đô thị hóa”, ông Chang nhận xét. “Hiện tại, hơn 80% dân số Hàn Quốc sống tại các đô thị, nhiều người rời khỏi khu vực nông thôn tới sống tại các thành phố sầm uất hơn”.

XU HƯỚNG ĐỘC THÂN

Một yếu tố nữa góp phần vào sự phổ biến của cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc là đặc điểm nhân khẩu học. Người trẻ Hàn Quốc có xu hướng không kết hôn hay sinh con, theo đó các gia đình chỉ có một thành viên trở nên đông đảo hơn bao giờ hết và đa số có ngân sách eo hẹp.

Theo một báo cáo của McKinsey vào tháng 3 năm nay, tính tới năm 2021, khoảng 35% hộ gia đình Hàn Quốc là các hộ gia đình một thành viên. Không giống các cặp đôi hay gia đình nhiều thế hệ - nhóm thường thích nấu ăn tại nhà và mua đồ số lượng lớn tại các cửa hàng tạp hóa, gia đình một thành viên thường hướng tới các lựa chọn tiện lợi và giá rẻ hơn tại các cửa hàng tiện lợi hoặc đặt hàng trực tuyến.

Đại dịch Covid-19 cũng góp phần vào xu hướng này, khi người tiêu dùng Hàn Quốc ưu tiện chọn đặt hàng trực tuyến hoặc mua đồ nhanh tại các cửa hàng tiện lợi gần nhà – báo cáo chỉ ra.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cố gắng nắm bắt nhu cầu cao bằng cách này bằng cách mở cửa hàng tiện lợi bên trong các địa điểm kinh doanh hoặc không gian giải trí sẵn có của mình. Báo cáo của Deloitte cho biết nhiều quán karaoke hoặc triển lãm nghệ thuật ở Hàn Quốc cũng có cửa hàng tiện lợi bên trong.

Toàn bộ xu hướng này mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp. Theo báo cáo của McKinsey, trong giai đoạn từ năm 2010-2021, doanh thu của các cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc tăng gấp 4 lần từ 5,8 tỷ USD lên 24,7 tỷ SSD, vượt qua doanh thu của siêu thị truyền thống và trung tâm bách hóa.

HIỆN TƯỢNG MẠNG XÃ HỘI

Các cửa hàng tiện lợi không chỉ nổi tiếng trong đời thực ở Hàn Quốc mà còn nhận được sự chú ý lớn trên mạng xã hội nhờ hiện tượng toàn cầu được nhiều người gọi là “làn sóng Hàn Quốc”.

Trong hai thập kỷ qua, xuất khẩu của Hàn Quốc ra thế giới tăng mạnh, từ âm nhạc, phim truyền hình cho tới sản phẩm làm đẹp, thời trang và ẩm thực. Trong năm qua, sự cuồng nhiệt trên thế giới dành cho các mặt hàng Hàn Quốc đã thu hút sự chú ý dành cho các cửa hàng tiện lợi của nước này.

Tìm kiếm nhanh trên YouTube TikTok hay Instagram cho vô số kết quả về các cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc. Trong các video này, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội “khoe” cảnh ăn mì ăn liền tại một cửa hàng, đánh giá đồ ăn vặt hoặc đồ uống, hoặc làm theo các xu hướng trên mạng như chỉ ăn đồ trong cửa hàng tiện lợi trong cả ngày.

Mì ăn liền với nhiều chủng loại tại một cửa hàng tiện lợi ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: Alamy Stock

Mì ăn liền với nhiều chủng loại tại một cửa hàng tiện lợi ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: Alamy Stock

Những video này với nhiều lượt thích và tương tác cho thấy chiến lược hiệu quả của các nhà sáng tạo nội dung ở Hàn Quốc.

Jiny Maeng, một nhà sáng tạo nội dung Australia sinh ra ở Hàn Quốc, đã bắt đầu làm video về chủ đề này sau khi thấy nhiều clip tương tự được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội. Trong đó, 3 video được xem nhiều nhất của cô thu hút tổng cộng 76 triệu lượt xem trên YouTube và vài triệu lượt xem trên mỗi kênh TikTok và Instagram.

“Bản thân Hàn Quốc đã trở thành một xu hướng trên mạng xã hội”. Maeng nhận xét. “Tôi cho rằng đó cũng là lý do các cửa hàng tiện lợi trở nên vô cùng phổ biến, bởi mọi người thần tượng Hàn Quốc và đó chỉ là một trong những địa điểm mơ ước mà họ muốn tới”.

Các video của Maeng không chỉ phổ biến ở Hàn Quốc mà cũng được xem nhiều bởi cư dân mạng ở Australia và Mỹ. Theo cô, việc mua hàng, nấu và ăn mì ramen tại một cửa hàng tiện lợi là điều “quá ấn tượng” với những người đã quen với phong cách cửa hàng bán lẻ của phương Tây.

Maeng lấy ví dụ về các cửa hàng bán lẻ ở Sydney, nơi thường đóng cửa vào lúc 3 giờ chiều. Kể cả cửa hàng 7-Eleven cũng thường đặt ở các trạm xăng và chỉ có một số lựa chọn ăn uống hạn chế như thịt viên, sandwich, bánh vòng…

Theo giáo sư Chang, các video trên mạng của những người như Maeng đã góp phần giúp cửa hàng tiện lợi ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc.

“Sự phổ biến đó bắt nguồn từ bản chất riêng có của loại hình cửa hàng này kết hợp với chiến lược tiếp thị hiệu quả trên mạng xã hội”, ông chỉ ra.

Trên thực tế, các công ty cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc cũng phát triển nở rộ tại nhiều quốc gia trên thế giới. 3 thương hiệu lớn nhất gồm CU, GS25 và Emart24 hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các video như trên có xu hướng bão hòa, những người sáng tạo nội dung đứng trước áp lực đổi mới và tự tạo xu hướng mới.

“Luôn có nhiều cách để tận dụng sự phổ biến của cửa hàng tiện lợi để tạo xu hướng của riêng mình”, Maeng chia sẻ.

Nguồn: TBKTVN