Quay lại

Tỷ lệ phá sản ở Nhật Bản tăng lên mức cao nhất thập kỷ

Một khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank (Nhật Bản) đã chỉ ra rằng chi phí gia tăng, tình trạng thiếu lao động và sự suy yếu của các biện pháp hỗ trợ tài chính là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Trong báo cáo mới nhất, Teikoku Databank cho biết tổng số vụ doanh nghiệp phá sản từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay đã lên tới 4.887 trường hợp, con số cao nhất kể từ năm 2014.

Ngành dịch vụ chiếm số lượng doanh nghiệp phá sản lớn nhất với 1.228 trường hợp, tiếp theo là ngành bán lẻ với 1.029 vụ và xây dựng với 917 vụ.

Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Nhật Bản bị ảnh hưởng nhiều nhất trong giai đoạn này, đặc biệt dưới tác động của các khoản vay không lãi suất và không có tài sản thế chấp, được cung cấp bởi các tổ chức tài chính thuộc cả khu vực công và tư để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Đồng yên liên tục mất giá, cùng với chi phí tăng cao và tình trạng thiếu lao động, đã tạo nên một bối cảnh kinh tế phức tạp và đầy thách thức.

Teikoku Databank dự báo rằng trong bối cảnh tiêu dùng cá nhân còn suy yếu, số doanh nghiệp phá sản dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa, thậm chí có thể vượt quá 10.000 trong cả năm 2024. Trong tháng 6 vừa qua, tổng cộng 807 công ty Nhật Bản đã bắt đầu các thủ tục phá sản, đánh dấu tháng thứ 26 liên tiếp số vụ phá sản tiếp tục tăng.

Báo cáo của Teikoku Databank cũng cho thấy tỷ lệ phá sản của các doanh nghiệp Nhật Bản có tuổi đời trên 100 năm đã tăng vọt 95% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2024.

Cụ thể, tổng cộng có 74 công ty phá sản theo phán quyết của tòa án trong giai đoạn từ tháng 1-6/2024, mức cao nhất trong nửa đầu năm tính từ năm 2000.

Một số doanh nghiệp lâu năm như Aoki Mannendo, công ty sản xuất bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản tại Tokyo trong hơn 200 năm, đã phải bắt đầu thủ tục phá sản vào tháng Ba. Công ty này đã vật lộn để trang trải chi phí bảo trì và các chi phí khác, đồng thời bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc đóng cửa cửa hàng và giảm giờ làm việc trong đại dịch COVID-19.

Mitaniya, một chuỗi cửa hàng tạp hóa được thành lập vào năm 1858, cũng đã bắt đầu thủ tục phá sản vào tháng Sáu. Doanh nghiệp này ghi nhận 4 năm thua lỗ liên tiếp do sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các cửa hàng thuốc và các đối thủ khác, dẫn đến việc phải đóng cửa khi chi phí tiện ích và bán buôn tăng lên.

Ông Satoshi Fujii, Giám đốc bộ phận quản lý thông tin tại Teikoku Databank, cho biết rằng việc chi phí tăng cao và tình trạng thiếu hụt lao động đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Các công ty nhỏ không có khả năng tăng giá, trong khi các doanh nghiệp lớn lại hưởng lợi từ đồng yen suy yếu và có thể đẩy chi phí cao hơn sang cho khách hàng. Triển vọng không mấy sáng sủa khi đồng yen suy yếu có thể tiếp tục làm tăng chi phí và làm suy yếu thêm các doanh nghiệp nhỏ.

Nguồn: TBKTVN