Hàn Quốc và kế hoạch nhân khẩu học cần được gấp rút thực hiện
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về nhân khẩu học quốc gia" vào tháng 6. Báo cáo dân số mới nhất của Liên Hợp Quốc đã thể hiện rõ lý do vì sao ông lo sợ, khi dân số nước này dự kiến sẽ giảm gần một nửa xuống còn khoảng 26 triệu người trước cuối thế kỷ này.
Gần đây Hàn Quốc mới xây dựng một bộ chuyên trách về chiến lược và quy hoạch dân số. Nhưng những bài học rút ra từ các nỗ lực quy hoạch dân số ở Trung Quốc cho thấy Hàn Quốc thiếu một cách tiếp cận toàn diện.
Từ giữa thế kỷ trước, Hàn Quốc đã trải qua một trong những đợt giảm sinh nhanh nhất trong lịch sử loài người. Số ca sinh con trung bình mà một người phụ nữ Hàn Quốc có trong đời hay tổng tỷ suất sinh (TFR) đã giảm từ gần 6 ca vào năm 1960 xuống còn 0,72 ca vào năm 2023, theo Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới mới nhất của Liên Hợp Quốc năm 2024.
Những năm 1950, tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc chỉ khoảng 50% của Ghana, nhưng hiện tại GDP bình quân đầu người của quốc gia này dự kiến sẽ vượt qua Nhật Bản trong năm nay. Tuy nhiên, trong khi Hàn Quốc đang bận rộn bắt kịp Nhật Bản, thì có vẻ như họ đã quên mất việc theo dõi chiến lược nhân khẩu học kinh tế dài hạn của Trung Quốc.
Không giống như Hàn Quốc hay Nhật Bản, chính sách dân số đóng vai trò trung tâm trong việc hoạch định chính sách ở Trung Quốc. Như ông Mao Trạch Đông từng thúc đẩy tỷ lệ sinh cao, tạo ra sự bùng nổ dân số lao động để chuyển đổi cả nền kinh tế Trung Quốc và thế giới. Còn ông Đặng Tiểu Bình, từ những năm 1980 đã tạo ra cơ hội việc làm cho lực lượng dân số đó và thực hiện chính sách một con. Đồng thời, ông cũng tiếp tục cải thiện nền tảng khoa học, công nghệ và giáo dục của Trung Quốc. Từ những năm 1980, giáo dục cơ bản bắt buộc đã được ban hành, và trong những năm 1990, các địa điểm giáo dục sau trung học đã được mở rộng, từ đó lực lượng lao động có thể làm việc hiệu quả hơn thế hệ bùng nổ trẻ em thời Chủ tịch Mao.
Dựa trên nghiên cứu của các nhà nhân khẩu học của Đại học Nhân dân vào những năm 1980, Trung Quốc hiểu rằng số phận của mình sẽ là già đi trước khi giàu có. Do đó, Trung Quốc đã tối ưu hóa sự bùng nổ của lực lượng lao động lương thấp diễn ra từ những năm 1980 đến đầu những năm 2010 thông qua các ưu đãi cho nhà đầu tư, cuối cùng sẽ tạo ra một quá trình công nghiệp hóa làm thay đổi thế giới.
Hơn nữa, trong suốt những thập kỷ này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đảm bảo rằng sự bùng nổ tương ứng tất yếu về số lượng người về hưu, từ những năm 2020 sẽ ít có khả năng làm đình trệ chương trình phát triển dài hạn của nước này thông qua việc ít hứa hẹn về lương hưu và hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Cộng đồng nghiên cứu chính sách nhân khẩu học kinh tế của Trung Quốc cũng tính toán rằng để chuyển đổi suôn sẻ từ số lượng lao động sang chất lượng lao động, nền kinh tế của nước này cần có TFR khoảng 2,1 vào năm 2040. Điều này giúp giải thích tại sao việc thúc đẩy các gia đình sinh nhiều con hơn hiện đang được chú trọng để ổn định nền kinh tế.
Nếu các nhà hoạch định dân số Trung Quốc có thể làm được điều gì đó, Hàn Quốc cũng có thể, nhưng chỉ khi có một chiến lược chuyển đổi nhân khẩu học kinh tế dài hạn bền vững và một cơ quan chịu trách nhiệm và thực thi kế hoạch đó trong dài hạn.
Nguồn Nikkei Asia - Nhipcaudautu