Hội nghị tập huấn “CBAM và Thị trường Carbon – Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp TP.HCM”

Ngày 11/10/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội nghị tập huấn “CBAM và Thị trường Carbon – Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh”. Chương trình nhằm giới thiệu cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tại TP.HCM sự hiểu biết toàn diện về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập thị trường carbon trong thành phố để giảm thiểu tác động tiêu cực của CBAM và khám phá các chiến lược phát triển thị trường này trong khuôn khổ pháp lý hiện hành.

Chương trình có sự tham dự của bà Hồ Thị Quyên – Phó Giám đốc ITPC, ông Jean Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách EuroCham, bà Marieke Van Der Pijl - Tổng Thư ký EuroCham cùng các diễn giả là các chuyên gia về phát triển bền vững, đại diện các doanh nghiệp và báo đài.

Hiện nay EU đang tiến hành kế hoạch để đạt được mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050. Nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ carbon” qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: Hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào. Như vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức được rằng, phát thải được tính cho hàng hóa không chỉ đơn giản phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn cả từ nguyên liệu, nghĩa là các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về hàng hóa đầu vào.                                   

Thông qua chia sẻ của các diễn giả là các chuyên gia về phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt Nam cần có những bước chuẩn bị như kiểm kê lượng phát thải, lên kế hoạch giảm nhẹ, xây dựng báo cáo lượng phát thải hàng năm,… lượng phát thải trong quá trình, trước hết nhằm giảm thiếu tác động của CBAM đến các ngành sản xuất trong nước, đồng thời giúp nâng cao uy tín, thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp với thị trường Châu Âu nói riêng, thị trường quốc tế nói chung. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tiếp cận với nhiều thị trường tín dụng carbon, đẩy mạnh hợp tác và chia sẻ giữa các doanh nghiệp để tiết kiệm nguồn lực, áp dụng cải tiến các nguồn năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến theo dõi và truy xuất dữ liệu báo cáo điện năng tiêu thụ, phát thải khí nhà kính. 

Các vấn đề trao đổi tại chương trình xoay quanh các bước và quy trình thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính, thí điểm Hệ thống Thương mại Khí thải gặp những khó khăn và thuận lợi gì, liệu rằng có khả thi nếu Việt Nam cũng xây dựng và thí điểm hệ thống ETS trong tương lai,…Các diễn giả cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải hãy chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp như ITPC và EuroCham để nhận được những thông tin hỗ trợ kịp thời.

Nguồn: Phòng Thông tin.