Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5% trong quý I/2023
Theo công bố ngày 18/4 của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng GDP của nước này trong quý I/2023 đạt 4,5%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý I/2022 khi nền kinh tế này đạt tăng trưởng 4,8%. So với quý IV/2022, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,2%.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được giới đầu tư kinh doanh quốc tế đặc biệt quan tâm sau khi nước này mở cửa trở lại vào cuối năm 2022 và chấm dứt hầu hết các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã áp dụng trong gần 3 năm.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 10,6% trong tháng 3/2023 nhờ doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tăng 3,9%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của Reuters.
Đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc tăng thấp hơn kỳ vọng với mức tăng 5,1% so với một năm trước. Nguyên nhân là do tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng và sản xuất bị chậm lại. Trong khi đó, đầu tư bất động sản tiếp tục suy giảm.
Nền kinh tế Trung Quốc đạt tăng trưởng 3% trong năm 2022, thấp hơn mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%. Đối với năm 2023, chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn là "khoảng 5%".
Theo đánh giá của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), mức tăng trưởng 4,5% trong quý I củng cố cho triển vọng tăng trưởng 6% cho năm 2023 mà ngân hàng này dự báo trước đó.
"Dữ liệu ngày hôm nay phù hợp với quan điểm tăng trưởng cả năm của chúng tôi về tăng trưởng của Trung Quốc", bà Hui Shan, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Goldman Sachs bình luận trên đài CNBC.
"Đó là sự phục hồi sau khi mở cửa trở lại [và] là điều cốt lõi lý giải tại sao chúng tôi đưa ra dự báo đồng thuận ở trên về mức tăng trưởng 6% cho cả năm", bà Hui Shan cho biết.
Hầu hết các nhà phân tích được Reuters thăm dò ý kiến không mong đợi sự thay đổi trong điều hành lãi suất cho vay cơ bản của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Một số nhà phân tích còn dự đoán Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ giảm nhẹ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm nếu lạm phát chậm lại.
"Không đồng đều là từ thích hợp để mô tả tình hình hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc và mức độ tin cậy cũng không mạnh như dữ liệu vĩ mô đang gợi ý", bà Hui Shan nhận xét. Nữ chuyên gia cũng cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể sẽ duy trì quan điểm “ủng hộ tăng trưởng” để kích thích nhu cầu trong nước.
"Vì vậy, hiện tại các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng duy trì lập trường ủng hộ tăng trưởng để nhu cầu có thể dần dần tăng lên nhờ lãi suất thấp hơn", bà Hui Shan nói.
Bà Helen Zhu, Giám đốc điều hành Công ty đầu tư tài chính NF Trinity, dự đoán nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ đón nhận một xung lực khác từ các biện pháp kích thích của chính phủ vào cuối năm nay.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến mức tăng trưởng cao hơn mục tiêu 5% trong quý II và hy vọng rằng trong quý III, nhiều chính sách kích thích sẽ được thực hiện", bà Helen Zhu đánh giá.
Giám đốc điều hành NF Trinity cho rằng kết quả tăng trưởng kinh tế quý I đã xóa đi những nghi ngại về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc và có thể sẽ dẫn đến những điều chỉnh tăng trong dự báo GDP cho phù hợp.
"Những con số chắc chắn cao hơn nhiều so với dự đoán của bất kỳ ai và tôi nghĩ đó là một khởi đầu thực sự tốt cho năm nay", bà Helen Zhu nhận xét.
Bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế trưởng Trung Quốc tại Tập đoàn tài chính ING cho biết bà cũng kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra thêm các biện pháp kích thích để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và tiêu dùng.
"Để giữ mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023, chính phủ Trung Quốc cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hầu hết trong số đó nên xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và tăng số lượng trạm sóng 5G vì những hạng mục này đã có trong kế hoạch năm", bà Helen Zhu nhận định.
"Do đó, chúng tôi kỳ vọng GDP (Trung Quốc) sẽ tăng nhanh hơn và đạt mức 6,0% trong quý II. Chúng tôi vẫn giữ dự báo GDP cả năm ở mức 5% vì nhu cầu bên ngoài sẽ là mối lo ngại của năm nay", bà Iris Pang cho biết.
Xét theo lĩnh vực, quý I chứng kiến lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ với giá trị dịch vụ tăng 5,4% sau khi nước này ngừng áp dụng chính sách chống dịch cứng rắn zero-Covid. Trong khi đó, chỉ số sản lượng dịch vụ đã tăng 9,2%, nhờ những đóng góp lớn của các dịch vụ lưu trú, ăn uống và công nghệ thông tin trong tháng 3.
Nguồn: Báo Đầu tư