Từ chỗ khan hiếm, thế giới đang thừa khí đốt vì nhu cầu trầm lắng

Cả châu Âu và châu Á - hai khu vực từng được dự báo sẽ phải cạnh tranh để giành giật khí đốt trong năm nay - đang tràn ngập loại nhiên liệu này, ít nhất là trong mấy tuần tới.

Theo hãng tin Bloomberg, xu hướng này là một điều hiếm gặp trong vòng 1 năm trở lại đây, kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ gây đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu và các nước châu Âu đổ xô tìm kiếm khí đốt nhiều nhất có thể từ các nguồn cung cấp khác ngoài Nga.

Giờ đây, lượng khí đốt tồn kho đang đầy tràn ở các quốc gia từ Hàn Quốc tới Tây Ban Nha, nhờ mùa đông không lạnh như dự báo và nỗ lực cắt giảm tiêu thụ. Những con tàu chất đầy khí đốt hoá lỏng (LNG) - vốn được coi là một “tấm đệm” thay thế cho dòng chảy khí đốt qua đường ống từ Nga sang châu Âu đã giảm xuống mức tối thiểu - bây giờ rất khó tìm bến đỗ vì khách mua vắng bóng. Những con tàu đó phải vật vờ ngoài biển suốt nhiều tuần.

Số tuần sử dụng mà dự trữ khí đốt hiện tại của một số nước châu Âu có thể đáp ứng. Dự trữ khí đốt bình quân của khu vực này đã đạt mốc 11 tuần sử dụng sớm hơn so với năm ngoái - Nguồn: Bloomberg.

Số tuần sử dụng mà dự trữ khí đốt hiện tại của một số nước châu Âu có thể đáp ứng. Dự trữ khí đốt bình quân của khu vực này đã đạt mốc 11 tuần sử dụng sớm hơn so với năm ngoái - Nguồn: Bloomberg.

Nhu cầu khí đốt thường sụt giảm khi qua mùa sưởi ấm và trước khi thời tiết nóng hơn đẩy cao nhu cầu làm mát trong mùa hè. Tại thời điểm trầm lắng này của nhu cầu, khí đốt thường được đưa vào các bể dự trữ để chuẩn bị cho mùa đông tiếp theo. Nhưng năm nay, nỗ lực làm đầy dự trữ khí đốt của châu Âu có thể hoàn thành ngay từ cuối tháng 8 - theo một dự báo của ngân hàng Morgan Stanley.

“Có vẻ như sẽ có một khoảng thời gian ngắn thị trường khí đốt ở trong tình trạng thừa cung. Điều này sẽ gây áp lực mất giá LNG trong vài tuần tới”, nhà phân tích Talon Custer của Bloomberg Intelligence nhận định.

Dù đã giảm mạnh từ mức cao của năm ngoái, giá khí đốt ở châu Âu và châu Á hiện vẫn cao hơn nhiều so với mức bình quân của 10 năm trở lại đây. Điều này được coi là một dấu hiệu phản ánh nỗi lo rằng tình trạng dư thừa nguồn cung hiện nay có thể sẽ biến mất. Ông Custer nói giá khí đốt “có thể đã gần thiết lập một mức sàn”, vì giá rẻ có thể kích thích nhu cầu tiêu thụ thêm.

Nhân tố quyết định nhu cầu và giá khí đốt trong thời gian tới sẽ là thời tiết mùa hè, bởi nếu thời tiết nóng quá mức hoặc có hạn hán, nhu cầu khí đốt sẽ tăng mạnh. Đến đầu quý 3, các nước nhập khẩu khí đốt sẽ bắt đầu chuẩn bị cho mùa đông, khiến cuộc cạnh tranh để mua những lô LNG trở nên căng thẳng hơn - ông Custer nói.

Dự trữ LNG của châu Âu đang tăng mạnh. Đơn vị: triệu mét khối - Nguồn: Bloomberg.

Dự trữ LNG của châu Âu đang tăng mạnh. Đơn vị: triệu mét khối - Nguồn: Bloomberg.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, thế giới vẫn đang dư dật khí đốt.

Ở Tây Ban Nha, quốc gia sở hữu hầu hết các cảng nhập LNG ở châu Âu, dự trữ khí đốt đang ở mức 85%, đồng nghĩa thị trường khí đốt của nước này có thể nhanh chóng chuyển sang tình trạng dư thừa công suất và gây sức ép giảm lên giá khí đốt giao ngay - theo RBC Capital Markets.

Tại Phần Lan, số lô khí đốt dự kiến sẽ được nhập khẩu trong mùa hè năm nay giảm từ 14 còn 10, một phần do dự báo nhu cầu giảm. Châu Âu đã gấp rút xây dựng các cảng nhập LNG di động nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu qua đường ống từ Nga. Theo dự kiến, khu vực này sẽ có thêm nhiều cảng LNG nữa trong năm nay và năm tới.

Cùng với đó, lượng LNG được xuất khẩu trên toàn cầu trong tháng 3 vừa qua đạt mức cao nhất mọi thời đại do sản lượng của Mỹ tăng. Nguồn cung LNG tăng lên khiến giá xuống thấp hơn và nhiều lô hàng không tìm được khách mua.

Xuất khẩu khí đốt của Anh sang đại lục châu Âu cũng đang tăng mạnh do nước này thiếu cơ sở dự trữ. Dòng chảy LNG đang ở mức kỷ lục vào thời điểm này hàng năm. Chưa kể, Trung Quốc cũng tái xuất LNG nhiều chưa từng thấy do nhu cầu phục hồi chậm hơn dự báo sau khi nước này dỡ chính sách Zero Covid. Một số tàu chở LNG phải chuyển hướng khỏi Hàn Quốc, một quốc gia nhập LNG lớn khác. Nhật Bản - một nước nhập khẩu LNG hàng đầu tại châu Á - cũng đang chào bán lại những lô khí đốt đã mua để giải quyết tình trạng thừa khí đốt trong nước.

Ở khu vực Nam Mỹ, nhu cầu khí đốt vẫn ảm đạm, dự kiến cho tới khi Argentina đưa vào hoạt động cảng nhập LNG nổi thứ hai vào tháng 5 năm nay, kịp thời cho mùa Đông ở bán cầu Nam - theo nhà phân tích Leo Kabouche của Energy Aspects.

Dù vậy, kế hoạch bảo trì hàng năm tại các cơ sở khí đốt trong thời gian từ cuối tháng 4 cho tới hết mùa hè có thể sẽ khiến tình trạng dư thừa khí đốt không kéo dài lâu. Ngoài ra còn có những rủi ro khác, từ việc Nga tiếp tục cắt giảm hơn nữa nguồn cung khí đốt hay những sự cố bất ngờ gây gián đoạn nguồn cung. Thị trường LNG toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục có những mối bấp bênh về nguồn cung trong 2 năm tới.

Điều đó được phản ánh trong giá khí đốt tương lai, khi giá các hợp đồng này được cho là sẽ tăng trong những tháng tới và nhất là trong mùa đông, và sẽ còn cao cho tới đầu năm 2025.

Xuất khẩu LNG toàn cầu lập kỷ lục mới. Đơn vị: triệu tấn - Nguồn: Bloomberg.

Xuất khẩu LNG toàn cầu lập kỷ lục mới. Đơn vị: triệu tấn - Nguồn: Bloomberg.

“Trong 2023, cân bằng khí đốt của châu Âu mong manh hơn nhiều” nếu so với năm ngoái. Bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào dù nhỏ đều có thể gây ra ảnh hưởng lớn”, Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế pháp nhận định trong một báo cáo mới đây.

Nguồn: TBKTVN