Quay lại

Kinh tế Trung Quốc đuối sức trông thấy, áp lực kích cầu ngày càng lớn

Nền kinh tế Trung Quốc sụt tốc trong quý 2 vừa qua, khi nhu cầu cả trong và ngoài nước cùng yếu đi, trong bối cảnh đà phục hồi hậu Covid-19 suy giảm nhanh và đặt ra sức ép ngày càng lớn đối với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh về việc tung thêm các biện pháp kích cầu.

Giới phân tích cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang đứng trước một nhiệm vụ khó khăn: Cân bằng giữa một bên là giữ cho sự phục kinh tế đi đúng hướng và giảm tỷ lệ thất nghiệp, với một bên là nguy cơ gánh nặng nợ nần tăng mạnh và cấu trúc nền kinh tế bị bóp méo nếu chọn tung ra một gói kích cầu quy mô lớn.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố sáng 17/7 cho thấy tổng sản phảm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 0,8% trong quý 2 vừa qua so với quý 1. Mức tăng này cao hơn so với mức dự báo tăng 0,5% mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, nhưng giảm mạnh so với mức tăng trưởng 2,2% ghi nhận trong quý 1.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 2 của Trung Quốc tăng 6,3%, cao hơn mức tăng 4,5% của quý 1, nhưng thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 7,3% mà các chuyên gia đưa ra.

Mức tăng hàng năm là cao nhất kể từ quý 2/2021, nhưng số liệu này có sự thiên lệch lớn do quý 2 năm ngoái là thời điểm nền kinh tế Trung Quốc tê liệt vì các đợt phong toả chống Covid nghiêm ngặt ở Thượng Hải và một số thành phố lớn khác.

“Các con số thống kê ngày hôm nay cho thấy sự bùng nổ hậu Covid của kinh tế Trung Quốc rõ ràng đã kết thúc”, nhà kinh tế học Carol Kong của Commonwealth Bank of Australia nói với hãng tin Reuters. “Những số liệu có tần suất cao hơn cho thấy sự cải thiện so với tháng 5, nhưng vẫn vẽ nên một bức tranh ảm đạm về phục hồi kinh tế. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ lập kỷ lục mới”.

Loạt dữ liệu thống kê gần đây về kinh tế Trung Quốc đã cho thấy sự phục hồi hậu Covid sa sút nhanh chóng, do xuất khẩu của nước này giảm mạnh nhất 3 năm vì nhu cầu suy yếu ở cả thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kéo dài trên thị trường bất động sản Trung Quốc khiến niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng suy giảm. Tình trạng đuối sức này của kinh tế Trung Quốc đặt ra kỳ vọng ngày càng lớn rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ phải có thêm biện pháp để vực dậy tăng trưởng.

Có khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai các biện pháp kích cầu bổ sung, bao gồm chi tiêu tài khoá vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, hỗ trợ thêm cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tư nhân, nới lỏng một số chính sách đối với ngành bất động sản. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ít khả năng kinh tế Trung Quốc sớm có sự xoay chuyển.

“Mức tăng trưởng 6,3% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái là đáng thất vọng. Rõ ràng, đà tăng trưởng đang suy yếu. Với sự giảm tốc như thế này, có khả năng mục tiêu tăng trưởng 5% của năm nay sẽ không đạt được".

Chiến lược gia trưởng Alvin Tan của RBC Capital Markets

Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến sẽ có một cuộc họp vào cuối tháng này để bàn về đường lối chính sách 6 tháng cuối năm. Thị trường kỳ vọng sẽ có các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng mới được công bố sau cuộc họp.

Phần lớn các chuyên gia đều tin rằng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiêm tốn khoảng 5% mà Bắc Kinh đề ra cho năm nay, một số tỏ ra lo ngại mục tiêu này có thể không trở thành hiện thực.

“Mức tăng trưởng 6,3% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái là đáng thất vọng. Rõ ràng, đà tăng trưởng đang suy yếu”, chiến lược gia trưởng Alvin Tan của RBC Capital Markets nhận định. “Với sự giảm tốc như thế này, có khả năng mục tiêu tăng trưởng 5% của năm nay sẽ không đạt được. Tôi cho rằng tính cấp bách của việc triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng đã gia tăng mạnh mẽ”.

Hầu hết các nhà phân tích tin rằng giới hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ chỉ tung thêm các biện pháp khiêm tốn, thay vì một gói kích cầu mạnh tay, bởi dư địa ngân sách đã trở nên eo hẹp và mối lo về nợ nần ngày càng lớn. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế tiếp tục giảm tốc, sẽ có thêm nhiều việc làm bị mất và rủi ro giảm phát sẽ gia tăng, càng xói mòn thêm niềm tin của khu vực tư nhân.

Hôm thứ Sáu, một quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nói cơ quan này sẽ sử dụng các công cụ chính sách như tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và cơ chế cho vay trung hạn (MLF) để vượt qua các thách thức kinh tế. Tháng trước, PBOC đã giảm một lãi suất chính sách, nhưng mức giảm chỉ là 0,1 điểm phần trăm.

Cũng theo số liệu từ NBS, doanh thu bán lẻ tháng 6 của Trung Quốc tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh từ mức tăng 12,7% ghi nhận trong tháng 5 và thấp hơn mức dự báo tăng 3,2% mà giới phân tích đưa ra. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp bất ngờ tăng lên mức 4,4% từ 3,5% của tháng 5, nhưng nhu cầu vẫn yếu. Doanh số bất động sản tính theo diện tích mặt sàn giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 19,7% trong tháng 5.

Một số chuyên gia cho rằng những khó khăn kinh tế Trung Quốc hiện nay xuất phát từ “hiệu ứng lên sẹo” do các biện pháp chống Covid hà khắc và việc nước này siết chặt kiểm soát đối với các lĩnh vực bất động sản và công nghệ - dù Bắc Kinh gần đây đã nới một số hạn chế. Với mức độ bấp bênh gia tăng, các hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân thận trọng đang tập trung tiết kiệm tiền và trả nợ thay vì mua sắm hay đầu tư mới.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc trong tháng 6 là 21,4%, một kỷ lục mới. Tỷ lệ thất nghiệp chung tại thành thị nước này là 5,2%.

Nguồn: TBKTVN