Mỹ, Trung Quốc hướng đến khôi phục hợp tác khí hậu
Dự đoán không có đột phá
Ông John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, đã đến Bắc Kinh vào ngày 16/7 để hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua từ ngày 17-19/7. Nội dung hội đàm sẽ tập trung vào các vấn đề, gồm: giảm phát thải khí mê-tan, hạn chế sử dụng than, hạn chế nạn phá rừng và hỗ trợ các nước nghèo giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Giới quan sát kỳ vọng các cuộc gặp trên sẽ giúp cải thiện triển vọng trước khi các cuộc đàm phán về khí hậu vào cuối năm 2023 do Liên hợp quốc bảo trợ.
Chuyến thăm của ông John Kerry diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc - quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính nhất thế giới - đang nỗ lực ổn định mối quan hệ căng thẳng do tranh chấp thương mại, căng thẳng quân sự và cáo buộc gián điệp, theo Reuters.
Các quan chức về khí hậu của hai bên được cho là sẽ thảo luận về sự phản đối của Trung Quốc đối với thuế quan của Mỹ và các hạn chế khác đối với việc nhập khẩu các thành phần pin và tấm pin mặt trời của Trung Quốc.
Washington đang tìm cách bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ trước các đối thủ cạnh tranh giá rẻ của Trung Quốc, bao gồm cả những công ty mà họ nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.
"Tôi không kỳ vọng những đột phá trong các cuộc gặp lần này nhưng hy vọng là chúng sẽ khôi phục lại sự gắn kết và ngoại giao bình thường", ông David Sandalow, giám đốc chương trình Mỹ - Trung tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (CGEP) thuộc Đại học Columbia, nhận định.
Trước đó, đặc phái viên John Kerry đã đề cập đến các mục tiêu cho chuyến thăm Trung Quốc của ông tại một phiên điều trần của tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ trong tuần này. "Những gì chúng tôi đang cố gắng đạt được bây giờ thực sự là thiết lập một số ổn định trong mối quan hệ mà không nhượng bộ bất cứ điều gì", ông Kerry nói.
Đảng Cộng hòa chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden quá mềm mỏng với Trung Quốc trong chính sách ngoại giao khí hậu, khi cho rằng Bắc Kinh tiếp tục gia tăng lượng khí thải nhà kính trong khi Washington áp dụng các biện pháp tốn kém để làm sạch môi trường.
Đặc phái viên Kerry là quan chức thứ ba của Mỹ thăm Trung Quốc trong năm 2023 trong nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ song phương ổn định. Trước đó không lâu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã có chuyến thăm Trung Quốc.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều khẳng định rằng họ có thể hợp tác về biến đổi khí hậu, bất kể có những bất đồng khác. Ông Li Shuo, cố vấn chính sách toàn cầu của tổ chức môi trường Greenpeace tại Bắc Kinh cho biết các cuộc hội đàm theo lịch trình giữa hai bên cho thấy biến đổi khí hậu "vẫn là nền tảng cho mối quan hệ song phương quan trọng nhất của thế giới".
"Kích hoạt lại" quan hệ
Các cuộc hội đàm giữa Mỹ và Trung Quốc trước đó đã thúc đẩy đàm phán về khí hậu toàn cầu, bao gồm cả việc đặt nền móng cho hiệp định khí hậu Paris năm 2015, khi các chính phủ thống nhất hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, căng thẳng trên nhiều lĩnh vực khiến quan hệ Mỹ - Trung trở nên nguội lạnh, đặc biệt sau khi Washington, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc bao gồm cả tấm pin mặt trời; chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào năm ngoái; và việc Mỹ ban hành luật ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa từ khu vực Tân Cương - nơi mà Washington cho rằng Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức.
Sau chuyến đi của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan, Bắc Kinh tuyên bố họ sẽ dừng mọi cuộc đối thoại với Washington về biến đổi khí hậu. Hai nước chỉ nối lại các cuộc đàm phán về khí hậu không chính thức vào tháng 11/2022 tại hội nghị thượng đỉnh COP27 ở Ai Cập.
Ngoài ra, căng thẳng cũng leo thang khi Mỹ thông qua Đạo luật giảm lạm phát, trong đó áp dụng các khoản tín dụng thuế đối với sản xuất năng lượng sạch nhằm khôi phục ngành sản xuất trong nước và ứng phó với sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Trung Quốc đã phát triển nhiều năng lượng tái tạo hơn so với các khu vực trên thế giới cộng lại. Tuy nhiên, nước này cũng đã có bước “đột phá mạnh mẽ” trở lại với than đá - một mối quan ngại lớn của Washington. Cụ thể, năm 2022, Trung Quốc đã cấp nhiều giấy phép mới nhất cho các nhà máy điện than kể từ năm 2015, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) và Cơ quan Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM).
"Mặc dù Mỹ sẽ nêu vấn đề ngừng phát triển điện than mới, nhưng có vẻ như Trung Quốc sẽ không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào về vấn đề này", ông Alden Meyer, cộng sự cấp cao tại tổ chức nghiên cứu môi trường E3G, cho biết.
"Và mặc dù Trung Quốc có thể sẽ nêu vấn đề về thuế quan của Mỹ đối với mặt hàng công nghệ năng lượng mặt trời của Trung Quốc, nhưng việc Mỹ công bố bất kỳ thay đổi nào đối với vấn đề này là điều khó có thể xảy ra", ông Meyer nói thêm.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã công khai đề nghị Trung Quốc tham gia vào các quỹ do Liên hợp quốc điều hành để giúp các quốc gia nghèo hơn giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Còn với tình hình hiện nay, bà Fang Li, giám đốc quốc gia Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) tại Trung Quốc, hy vọng rằng Mỹ sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng cường cam kết khí hậu quốc gia theo thỏa thuận Paris, nhưng có thể sẽ có sự miễn cưỡng từ phía Trung Quốc do các rào cản thương mại của Mỹ.
Nguồn: TBKTVN