Quay lại

Nắng nóng gay gắt tại châu Á, một quốc gia hưởng lợi

Các quốc gia châu Á vừa trải qua vài tuần nắng nóng gay gắt. Việc đảm bảo có đủ than đá, khí gas và dầu để sản xuất điện là yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Theo đó, Nga đang trở thành nguồn cung chủ lực với mức giá hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh sản phẩm dầu và nguyên liệu hoá thạch như than đá từ Nga chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.

“Nơi có nắng nóng đỉnh điểm hiện tại trên thế giới là khu vực Nam Á, đặc biệt tại các nền kinh tế còn nhiều khó khăn như Pakistan và Bangladesh. Mối quan tâm hàng đầu bây giờ là đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như có điện, thay vì để ý tới các lệnh cấm vận trên thị trường quốc tế”, John Driscoll, giám đốc JTD Energy Services Pte tại Singapore cho biết.

Số liệu từ Kpler cho thấy, lượng than đá và khí tự nhiên  xuất khẩu từ Nga tới châu Á tăng trưởng đáng kể trong năm nay. Than đá và khí tự nhiên hiện vẫn là 2 nguyên liệu chính cho sản xuất điện.

Cụ thể, lượng than đá xuất khẩu của Nga tăng lên mức 7,46 triệu tấn trong tháng 4/2023, cao hơn 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Các chuyển hàng chở khí đốt tới châu Á từ Nga cũng gia tăng trong những tháng gần đây, sau khi giá khí đốt có sự điều chỉnh giảm nhẹ từ mức đỉnh.

Trong khi đó, các quốc gia châu Á nhập khẩu lượng than đá của Nga đạt mức kỷ lục trong tháng 3 và tháng 4, theo số liệu của Kpler.

Diễn biến xuất khẩu than đá, khí hoá lỏng và dầu mỏ từ Nga tới châu Á qua các tháng.

Một trong những lý do khiến các quốc gia châu Á tăng cường mua các loại năng lượng từ Nga là từ diễn biến El Nino trong năm nay. Nắng nóng và khô hạn kéo dài khiến các hồ chứa cạn nước, thuỷ điện gặp khó khăn. 

Đáng chú ý, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là 2 khách hàng nhiệt tình nhất với các loại năng lượng từ Nga. Trong tháng 4, hơn 2/3 lượng than xuất khẩu của Nga được bán cho Trung Quốc và Ấn Độ. Hàn Quốc cũng gia tăng lượng mua thêm 15%, trong khi Việt Nam, Malaysia và Sri Lanka đều trở thành khách hàng tích cực.

Emma Li, chiến lược gia tại Vortexa cho biết, các quốc gia như Banladesh, Pakistan, Sri Lanka cũng sẽ nhập khẩu dầu Nga nhiều hơn nữa để sản xuất điện. Xu hướng này sẽ kéo dài ít nhất cho tới hết mùa hè năm nay.

Giá dầu Nga (đường màu vàng) duy trì ở mức thấp hơn so với dầu Brent (đường màu đen) - loại dầu tiêu chuẩn thị trường quốc tế.

Thậm chí Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ, cũng khó lòng khước từ năng lượng giá rẻ từ Nga. Chris Wilkinson, chiến lược gia cao cấp năng lượng tái tạo tại Rystad cho biết, Nhật đang cân nhắc mua nhiều hơn khí hoá lỏng (LNG) từ Nga theo các hợp đồng dài hạn, bởi điều này có lợi hơn khi mua trên thị trường giao ngay.

Nguồn: Báo Đầu tư