IMF: Nền kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ đình trệ

Tại châu Âu, lĩnh vực công nghiệp gặp khó khăn, gây nguy cơ kéo Đức - đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu - rơi vào suy thoái. Mới đây, chỉ số niềm tin của các nhà đầu tư Đức đã suy giảm tháng thứ ba liên tiếp và chỉ số tâm lý kinh tế ZEW giảm mạnh trong tháng 5/2023, giảm xuống -10,7 điểm, từ mức 4,1 điểm vào tháng 4/2023, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngày 16/5, cảnh báo chính sách tiền tệ thắt chặt và việc tăng giá năng lượng đang đè nặng lên nền kinh tế Đức. Dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nước này duy trì ở mức gần bằng 0 và sẽ dần tăng lên 3% trong năm tiếp theo.

Trong khi đó, cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ đang chịu áp lực từ hàng loạt sự cố ngân hàng tồi tệ nhất, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và sự bế tắc trong các cuộc đàm phán nâng trần nợ.

Ngày 16/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo những hậu quả "thảm khốc" có thể xảy ra, nếu Mỹ cạn tiền mặt để trang trải các nghĩa vụ tài chính, trong đó có việc không trả được lương cho các nhân viên liên bang, kéo theo khả năng tăng lãi suất tác động mạnh đến các doanh nghiệp.

Sự vụ một loạt các ngân hàng khu vực của Mỹ bị “đổ vỡ” đã khiến việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình trở nên khó khăn hơn. Các cuộc khảo sát của các nhà kinh tế vừa qua cho thấy 65% khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới.

Tuy nhiên, những số liệu kinh tế phát hành trong tháng 4/2023 cũng đem lại một vài tín hiệu tốt cho nền kinh tế Mỹ. Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng trong tháng 4/2023 cho thấy chỉ tiêu của người tiêu dùng đang tăng lên.

Dữ liệu chính thức của Trung Quốc, công bố ngày 16/5, cho thấy trong tháng 4/2023 sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư cố định tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng lên mức cao kỷ lục 20,4%.

Theo Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu Moody's Analytics, các ngân hàng trung ương đang chuẩn bị một số biện pháp cứu trợ, để đối phó với trường hợp nền kinh tế thế giới suy yếu.

Nguồn: Báo Đầu tư