Nền kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái kỹ thuật khi GDP giảm hai quý liên tiếp

Theo tờ The Guardian ngày 8/6, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên toàn khu vực đồng euro đã giảm 0,1% trong quý đầu tiên của năm nay, tệ hơn so với dự báo trước đó rằng nền kinh tế Eurozone chỉ bị đình trệ.

Cụ thể, GDP của Eurozone giảm 0,1% trong quý IV/2022, có nghĩa là kinh tế khu vực đồng euro đã suy giảm trong hai quý liên tiếp. Định nghĩa suy thoái là suy giảm kinh tế hai quý liền.

GDP của Eurozone giảm là do bị Ireland kéo xuống. GDP của Ireland đã giảm 4,6% trong quý đầu tiên của năm nay, mặc dù các nhà kinh tế đã đặt câu hỏi liệu điều đó có thực sự phản ánh hiệu quả của nền kinh tế Ireland hay không.

Nền kinh tế Litva giảm 2,1%, trong khi kinh tế Hà Lan giảm 0,7%. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, suy giảm 0,3% và cũng rơi vào suy thoái.

Nền kinh tế châu Âu đã bị ảnh hưởng do gián đoạn kinh tế trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao.

Tình trạng này đã dẫn tới một loạt đợt tăng lãi suất, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tìm cách chống lạm phát cao hơn.

Ông Diego Iscaro, Trưởng bộ phận Kinh tế châu Âu tại S&P Global Market Intelligence, dự báo rằng do tác động của lãi suất cao hơn vẫn chưa được cảm nhận đầy đủ, hoạt động kinh tế ở khu vực đồng euro sẽ chậm chạp trong suốt phần còn lại của năm 2023.

Tin tức cho rằng kinh tế Eurozone suy giảm sẽ là cơn đau đầu đối với ECB. Dự báo lạm phát hàng năm của khu vực Eurozone trong tháng 5 là 6,1%, giảm so với 7% hồi tháng 4, nhưng vẫn cao gấp ba lần mục tiêu của ECB. Nền kinh tế Eurozone yếu hơn dự báo có thể khiến ECB gặp khó khăn khi đang cân nhắc có nên tăng chi phí đi vay để làm giảm nhu cầu hay không.

ECB đã tăng lãi suất tổng cộng 375 điểm cơ bản trong năm qua để ngăn chặn tốc độ tăng giá quá nhanh và có thể phải đến năm 2025, lạm phát mới quay trở lại mức mục tiêu 2% khi tiền lương tăng nhanh và nhu cầu dịch vụ mạnh tiếp tục gây áp lực lên giá cả.

Trước đó, ngày 15/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã nâng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Eurozone, nhưng đồng thời cũng nâng dự báo lạm phát của khu vực này. EC đã nâng triển vọng tăng trưởng trong khối thêm 0,2 điểm lên 1,1%.

Ủy viên EU phụ trách về kinh tế, Paolo Gentiloni, nói khi đó: “Kinh tế châu Âu đang ở trong trạng thái tích cực hơn so với những gì chúng tôi dự đoán vào mùa thu năm ngoái. Nhờ những nỗ lực kiên quyết nhằm tăng cường an ninh năng lượng, thị trường lao động có khả năng phục hồi đáng kể và các hạn chế về nguồn cung được nới lỏng, chúng ta đã tránh được suy thoái kinh tế trong mùa Đông và chuẩn bị cho mức tăng trưởng vừa phải trong năm nay và năm tới".

EU cũng nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 cho Eurozone gồm 20 quốc gia thêm 0,1 điểm lên 1,6%. Dự báo tăng trưởng cho toàn bộ 27 quốc gia EU cũng được nâng lên trong năm 2023, mặc dù vẫn thấp hơn khu vực đồng euro ở mức khoảng 1%.

Trước đó, ngày 25/5, Cơ quan thống kê Đức Destatis công bố số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế nước này đã giảm nhẹ trong quý I/2023 so với quý IV năm ngoái, qua đó chính thức rơi vào suy thoái.

GDP của Đức đã giảm 0,3% trong quý I năm nay, sau khi đã giảm 0,5% trong quý IV/2022. Dự báo sơ bộ trước đó cho rằng GDP của Đức chững lại trong quý I và nền kinh tế lớn nhất châu Âu tránh được suy thoái.

Nguồn: Báo Đầu tư