Quay lại

Những thay đổi đang diễn ra của nền kinh tế toàn cầu

Tại hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole vào tuần trước, các thống đốc Ngân hàng Trung ương đã có những khẳng định, rằng lạm phát vẫn đang là mối đe dọa của nền kinh tế toàn cầu và khó có thể dự đoán được xu hướng của lạm phát trong tương lai, bởi những thay đổi trong cơ cấu gần đây của kinh tế thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 đang chứng kiến sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu. Và hiện có 4 sự thay đổi lớn đang diễn ra rõ nét nhất.

Thứ nhất là việc các Ngân hàng Trung ương cần điều chỉnh chính sách từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát trong mức có thể cho phép. Mặc dù đã có những tín hiệu cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt tại Mỹ và dịu hơn ở châu Âu, nhưng Cục Dự trữ Liên bang (FED) và ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ quan điểm rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp để cắt giảm lãi suất.

 

Bên cạnh đó, chi tiêu mạnh tay của người tiêu dùng Mỹ khiến nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng lạm phát vẫn sẽ tiếp tục dai dẳng giữa bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất chưa từng có trong lịch sử. Mặt khác, tình trạng kinh doanh ảm đạm đang bao phủ lên nền kinh tế châu Âu. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng cả 2 nền kinh tế lớn này cần có những chính sách để đưa lạm phát về mức mục tiêu đã đề ra cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững hơn.

Tuy nhiên, để chỉ ra chính xác thời điểm mà lạm phát tiêu biến là điều không thể nói trước. Đặc biệt là trong bối cảnh sự thay đổi thứ 2 của nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra: Nguồn cung thế giới ngày càng bất ổn.

Những dự đoán trước đây về lạm phát dường như không còn ý nghĩa trước sự thay đổi cực đoan của nguồn cung. Dưới những tác động mạnh của đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngành năng lượng do căng thẳng Nga - Ukraine đã khiến xu hướng toàn cầu thay đổi, dẫn đến sự khó khăn trong việc đưa ra những dự đoán tiếp theo cho nền kinh tế thế giới.

Năm 2021, nguồn cung không ổn định đã ảnh hưởng đến thị trường lao động ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn như Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã chứng kiến tỉ lệ người lao động ở độ tuổi 15-64 sụt giảm trầm trọng. Trong khi đó, nước Anh phải đối mặt với tình trạng người lao động ngần ngại quay lại thị trường lao động. Cho đến hiện tại, Mỹ và Pháp là 2 trong số ít quốc gia ghi nhận sự hồi phục đáng kể của nguồn cung lao động.

 

Sự thay đổi thứ 3 là triển vọng kinh tế vượt trội của Ấn Độ. Trước đây, kinh tế Trung Quốc từng tăng trưởng với tốc độ 8% mỗi năm. Và trong nhiều năm qua, thế giới dường như phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc, bởi quốc gia này có tốc độ sản xuất hàng hoá và cung cấp dịch vụ mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã cho thấy sự giảm tốc, mặc dù quy mô vẫn lớn hơn gấp đôi so với Ấn Độ về tỉ giá hối đoái ngang bằng sức mua.

Theo nhiều chuyên gia, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc về dân số, thì sẽ sớm vượt qua cả về mức độ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Một số người dự đoán điều này có thể xảy ra vào thập niên 2030. Và khi tỉ lệ đóng góp của Ấn Độ lớn hơn Trung Quốc, sự thay đổi thứ 4 sẽ càng trở nên rõ nét hơn. 

Trên trường quốc tế, Ấn Độ được như là một trường hợp đặc biệt với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Trong khi thế giới đang trải qua chu kỳ giảm tốc từ tăng trưởng, các quốc gia dựng hàng rào thương mại và chú trọng vào sự bền bỉ của mình thay vì hiệu quả như trước, thì tốc độ tăng trưởng và những công nghệ vượt bậc của Ấn Độ đã khiến mọi người đều ngạc nhiên trước sự phát triển mạnh mẽ đó.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng ổn định với mức 4% mỗi năm. Sau đó, con số này giảm về khoảng 3,5% trong những năm 2010. Và hiện tại, ngưỡng 3% có lẽ là mức cao nhất là nền kinh tế có thể đạt được. Mặc dù mức sống không còn được cải thiện nhanh sẽ giúp làm giảm lượng khí thải carbon hằng ngày, nhưng điều này lại không có ích trong những nỗ lực giải quyết căng thẳng địa chính trị đang diễn ra trên thế giới.

Nguồn: Nhipcaudautu