Quay lại

Nợ hộ gia đình tại Mỹ lần đầu vượt 17 nghìn tỷ USD

Theo dữ liệu mới công bố của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Fed New York), dư nợ của các hộ gia đình Mỹ ghi nhận mức kỷ lục mới 17,05 nghìn tỷ USD trong quý 1/2023, tăng 148 tỷ USD, tương đương mức tăng 0,9% so với quý cuối năm ngoái. So với thời điểm cuối năm 2019, con số này đã tăng thêm 2,9 nghìn tỷ USD.

Trong quý 1, nợ hộ gia đình Mỹ tăng ở hầu hết các hạng mục, với mức tăng mạnh hoặc thậm chí lập kỷ lục ở hạng mục vay thế chấp mua nhà, vay mua ô tô, vay sinh viên, thẻ mua sắm và các khoản vay tiêu dùng khác.

Đáng chú ý, dư nợ thẻ tín dụng không biến động, duy trì ở mức 986 tỷ USD trong quý 1. Đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm không có sự suy giảm ở danh mục này - theo phân tích dữ liệu của các nhà nghiên cứu Fed New York.

Thông thường, trong ba tháng đầu năm, dư nợ thẻ tín dụng thường giảm bởi đây là thời điểm sau kỳ nghỉ lễ và người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn và trả bớt nợ thẻ tín dụng nhờ tiền hoàn thuế hoặc quyết tâm dịp đầu năm. Nhưng điều này lại không xảy ra trong năm nay.

“Dư nợ thẻ tín dụng không giảm trong quý 1 không phải là tín hiệu tốt cho phần còn lại của năm nay”, ông Matt Schulz, nhà phân tích tín dụng trưởng tại LendingTree, nhận xét.

Còn theo ông Ted Rossman, nhà phân tích cấp cao tại Bankrate, cho đến thời điểm này, nợ thẻ tín dụng đã tăng với tốc độ nhanh nhất so với bất kỳ khoản nợ nào được đề cập trong báo cáo của Fed New York.

“Điều này phản ánh thực tế rằng ngày càng nhiều người dùng thẻ tín dụng để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày (dù cũng có một yếu tố là người tiêu dùng sử dụng tiền mặt ít hơn và dùng thẻ vì sự tiện lợi, điểm thưởng và khả năng thanh toán tức thì)”, ông Rossman nói.

Theo nghiên cứu của Bankrate, 46% chủ thẻ tín dụng phát sinh nợ hàng tháng, và chỉ khoảng 54% trong số này thanh toán toàn bộ dư nợ trong kỳ. Năm ngoái, chỉ 39% chủ thẻ tín dụng có phát sinh nợ hàng tháng.

“’Thủ phạm’ chính của tình trạng này là lạm phát, mức chi tiêu gia tăng kể từ sau đại dịch Covid-19 và hành vi tiêu dùng điển hình”, Schulz nói. “Dư nợ thẻ tín dụng tăng có thể là dấu hiệu của sự tự tin hoặc khó khăn”.

Ông cho biết, trừ những thời điểm xảy ra thảm họa kinh tế, như bùng phát đại dịch hoặc Đại suy thoái, nợ thẻ tín dụng vẫn sẽ tiếp tục tăng. Đại dịch và đại suy thoái là hai thời điểm duy nhất trong nhiều thập kỷ ghi nhận sự sụt giảm đáng kể của dư nợ thẻ tín dụng.

Dữ liệu của Fed New York cho thấy dù mức nợ lập kỷ lục mới, nhưng nhìn chung các hộ gia đình Mỹ vẫn đang quản lý tốt nghĩa vụ nợ của mình. Dù tỷ lệ nợ quá hạn tăng ở hầu hết các loại nợ, nhưng vẫn ở dưới mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất về nợ hộ gia đình Mỹ cho thấy nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.

Theo ông Rossman, các khoản vay mua ô tô quá hạn của người trẻ (dưới 40 tuổi) đã vượt qua mức trước đại dịch. Lạm phát đã đẩy giá ô tô lên cao, do đó các khoản thanh toán bình quân của người vay cho khoản vay mua ô tô dao động quanh mức 700 USD/tháng.

“Với một số người, khoản thanh toán nợ vay mua ô tô hàng tháng có thể ngang với tiền thuê nhà. Tuy nhiên, tiền thuê nhà đã tăng lên mức mà tôi cho là hiệu ứng tích lũy (cumulative effect). Nhiều thứ tăng giá, lãi suất tăng. Thật không may, xu hướng này đang diễn ra theo hướng tiêu cực đối với nhiều hộ gia đình”, ông nhận xét.

Nguồn: TBKTVN