Thái Lan đặt cược vào ngành công nghiệp xe điện với mục tiêu “30@30”
Trong bối cảnh Thái Lan cam kết trung hòa carbon và không phát thải khí nhà kính ròng, sự bất ổn của giá dầu và khí đốt, thị trường xe điện của Thái Lan đã có sự bứt tốc vượt bậc trong những năm qua.
Chính phủ Thái Lan đã đặt mục tiêu “30@30” với tham vọng đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm ít nhất 30% tổng sản lượng ô tô ở Thái Lan.
Thái Lan nỗ lực trở thành trung tâm xe điện hàng đầu Đông Nam Á. Nguồn: Re-fti |
Chính sách hấp dẫn và cởi mở
Năm 2022 đánh dấu một năm đáng chú ý cho bước nhảy vọt trong thị trường xe điện (EV) của Thái Lan.
Đầu năm qua, Thái Lan đã triển khai một số biện pháp liên quan đến thuế để thúc đẩy nhu cầu xe điện trong nước, bao gồm miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như trợ cấp có điều kiện cho xe điện nhập khẩu. Những kế hoạch này đã được người tiêu dùng Thái Lan đón nhận nhiệt tình với số lượng xe điện bán ra đạt kỷ lục mới với 5 con số chỉ trong vài tuần sau khi chính sách thuế mới được công bố.
Đầu tháng 7/2022, khi Thủ tướng Thái Lan đưa ra thông điệp về ba trụ cột chính cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của nước này trong 20 năm tới, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biến Thái Lan thành một trung tâm xe điện và khuyến nghị ngành công nghiệp ô tô nên tự thích nghi với môi trường xe điện. Ông cũng cho biết thêm Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực để làm cho chi phí của xe điện và cơ sở hạ tầng liên quan đến xe điện trở nên hợp lý hơn.
BoI (Ủy ban Đầu tư Thái Lan) đưa ra các ưu đãi về thuế từ 3 đến 11 năm đối với việc sản xuất tất cả các loại xe điện. Cơ quan này cũng cung cấp các ưu đãi đầu tư cho cơ sở hạ tầng liên quan đến xe điện, đặc biệt là các trạm sạc, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe điện trong nước.
Tháng 10/2022, Chính phủ Thái Lan đã công bố chiến lược đầu tư 5 năm tới, hay còn gọi là Chiến lược xúc tiến đầu tư mới (2023-2027), trong đó đặt ra mục tiêu xúc tiến đầu tư để tái cấu trúc nền kinh tế đất nước xoay quanh ba khái niệm cốt lõi.
Đó là 1) Đổi mới, công nghệ và sáng tạo, 2) Năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng nhanh, 3) Có tính bao trùm, tính bền vững về môi trường và xã hội. Trung tâm của chiến lược này sẽ tập trung vào 3 mảng quan trọng, đó là các ưu đãi về thuế, xe điện (EV) và R&D (nghiên cứu và phát triển).
Về phần mình, năm 2023, BoI sẽ chuyển đổi vai trò từ “Người thúc đẩy” cung cấp các lợi ích về thuế và phi thuế trở thành một “người tích hợp” các công cụ hỗ trợ đầu tư, “người hỗ trợ” cung cấp dịch vụ và “Người kết nối” liên kết các ngành để tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn.
Nói về sự chuyển đổi vai trò này, ông Narit Therdsteerasukdi, Tổng thư ký của Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) cho biết: Việc Thái Lan cung cấp các ưu đãi về thuế trước đây không đủ mạnh mẽ để lôi kéo các nhà đầu tư tiềm năng như mong muốn , đặc biệt trong các lĩnh vực mục tiêu như đổi mới và đầu tư dựa trên công nghệ. Ông nhận thấy điều mà các nhà đầu tư quan tâm hơn chính là các thủ tục pháp lý dễ dàng trong kinh doanh. Với việc tập trung vào vai trò là một người hỗ trợ, BoI có thể hỗ trợ về mặt pháp lý tốt hơn cho các nhà đầu tư, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ một cửa cho các công ty muốn thành lập trụ sở khu vực tại Thái Lan.
Đầu tư cơ sở hạ tầng cho xe điện
Các thiết bị sạc đã được phát triển với công nghệ sạc tối ưu, cho phép sạc nhanh bằng dòng điện một chiều đến mức 80% pin trong vòng chưa đầy một giờ. Theo văn phòng Kế hoạch và Chính sách Năng lượng của Bộ Năng lượng, hiện có hơn 900 trạm sạc trên toàn quốc.
Theo ước tính của Hiệp hội xe điện Thái Lan (EVAT), tính đến tháng 9/2022 có 2.572 phích cắm sạc trong nước, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến năm 2025, số lượng phích cắm sạc nhanh ước tính sẽ tăng lên 4.400 phích cắm và 12.000 phích cắm vào năm 2030.
Cơ quan Phát điện Thái Lan, Cơ quan Điện lực Thành phố và Cơ quan Điện lực Tỉnh đã xúc tiến và làm việc với khu vực tư nhân (bao gồm cả các cá nhân) để tạo điều kiện thành lập các trạm sạc EV. Do hoạt động kinh doanh sạc xe điện yêu cầu đầu vào đầu tư tương đối cao nên khi tỷ lệ sử dụng xe điện tăng lên một mức nhất định, sẽ có các khoản trợ cấp hấp dẫn hơn cho các cơ sở sạc xe điện, cả cho mục đích thương mại và sử dụng tại nhà, để đáp ứng nhu cầu của người dùng xe điện .
Ngoài ra, Viện Ô tô Thái Lan, một tổ chức độc lập dưới sự hợp tác của chính phủ và khu vực tư nhân, đã công bố kế hoạch xây dựng đường thử cho BEV cũng như dự án phát triển mới cho đường thử ô tô.
Trong nỗ lực cải thiện mạng lưới sạc của đất nước, BoI đã phê duyệt các ưu đãi đầu tư vào các trạm sạc, miễn thuế từ 3 đến 5 năm cho các nhà cung cấp dịch vụ sạc trong tháng 4 năm nay.
Những kết quả ấn tượng
Nhà sản xuất ô tô hạng sang của Đức đã chọn Thái Lan là địa điểm đầu tiên ở Đông Nam Á để sản xuất xe điện Mercedes-EQS. Quốc gia này cũng là một trong bảy địa điểm duy nhất trên thế giới để sản xuất pin lithium-ion hiệu suất cao, có thể cung cấp năng lượng cho xe trong hơn 700 km trong một lần sạc.
Ngoài ra, BMW đã được phê duyệt sản xuất xe hybrid cắm điện, đồng thời hợp tác với Tập đoàn Dräxlmaier Group, nhà cung cấp ô tô toàn cầu có trụ sở tại Đức, để sản xuất pin điện áp cao và mô-đun pin.
Các kế hoạch kêu gọi dây chuyền sản xuất ô tô của Mitsubishi tại Khu công nghiệp Laem Chabang ở tỉnh Chonburi, miền đông Thái Lan sản xuất 39.000 xe điện vào năm tới với 9.500 xe chạy bằng pin và 29.500 xe hybrid.
Tập đoàn Sammitr, một công ty Trung Quốc sản xuất phụ tùng và phụ tùng xe cơ giới, chuẩn bị sản xuất 30.000 xe chạy bằng pin với khoản đầu tư 5,5 tỷ baht (159,75 triệu USD).
Một thương hiệu EV mới của Nhật Bản có tên FOMM, viết tắt của "First One Mile Mobility", cũng đã được phê duyệt để bắt đầu sản xuất xe chạy bằng pin nhỏ gọn tại một nhà máy ở tỉnh Chonburi.
Trong khi đó, Nissan Motors đã được chính phủ Thái Lan bật đèn xanh để bắt đầu sản xuất xe chạy bằng pin sau khi đầu tư vào sản xuất xe hybrid tại Thái Lan.
Đặc biệt, Foxconn, một nhà sản xuất điện tử đa quốc gia của Đài Loan, đã hợp tác với gã khổng lồ dầu khí của Thái Lan, PTT - một trong những công ty năng lượng lớn nhất thế giới, để thành lập một doanh nghiệp liên doanh, Horizon Plus đã lên kế hoạch đầu tư từ 1 đến 2 tỷ USD để chế tạo ô tô thành phẩm cho các nhà sản xuất khác bằng cách sử dụng nền tảng mô-đun và phần mềm do Foxconn phát triển.
Việc sản xuất sẽ bắt đầu vào năm 2024 và theo kế hoạch đến năm 2030 sẽ sản xuất từ 150.000 đến 200.000 xe mỗi năm tại Hành lang kinh tế phía Đông công nghệ cao của Thái Lan.
Triển vọng xe điện năm 2023
Theo thống kế từ Statista tại thị trường Thái Lan, doanh thu trên thị trường xe điện dự kiến đạt 178,80 triệu đô la Mỹ vào năm 2023. Doanh thu dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm (giai đoạn 2023-2027) là 22,31%. Khối lượng thị trường dự kiến sẽ đạt 400,10 triệu đô la Mỹ trong khi doanh số bán của thị trường xe điện dự kiến sẽ đạt 9,20 nghìn xe vào năm 2027.
Giá trung bình theo khối lượng của thị trường Xe điện vào năm 2023 dự kiến sẽ lên tới 44,76 nghìn đô la Mỹ. Cơ quan này cũng dự đoán phần lớn doanh thu sẽ được tạo ra ở Trung Quốc (190.400 triệu đô la Mỹ vào năm 2023).
Nền kinh tế toàn cầu hiện tại đang trải qua nhiều thử thách từ lạm phát đến suy thoái. tuy nhiên, ông Narit Therdsteerasukdi vẫn lạc quan cho rằng các ngành kinh tế mục tiêu của nước này, chẳng hạn như xe điện sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư trong hai hoặc ba năm tới vào các lĩnh vực, cơ sở hạ tầng sạc điện và bản thân các nhà sản xuất ô tô.
Nguồn: TBKTVN