EU lên kế hoạch chạy đua trong cuộc cách mạng công nghiệp xanh
Đạo luật Công nghiệp Net-Zero và Đạo luật Nguyên liệu quan trọng
Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất ban hành Đạo luật Công nghiệp Net-Zero và Đạo luật Nguyên liệu quan trọng. Đây là một phần trong Kế hoạch Công nghiệp thỏa thuận Xanh, được thiết kế nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của khối trong lĩnh vực công nghệ sạch. Theo đó, EU có thể cung cấp 40% mức sử dụng công nghệ Net-zero vào năm 2030.
Dự thảo được công bố vào ngày 16/3 vừa qua, là một trụ cột của Kế hoạch Công nghiệp Thỏa thuận Xanh - phản ứng của EC đối với khoản hỗ trợ trị giá 396 tỷ USD do Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra thông qua Đạo luật Giảm lạm phát.
Theo EC, đầu tư toàn cầu vào quá trình chuyển đổi xanh sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2030 từ 1.000 tỷ USD trong năm 2022.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước, Phó chủ tịch EC, ông Valdis Dombrovskis cho biết: “Điểm mấu chốt là chúng tôi muốn trở thành những người dẫn đầu trong các ngành công nghiệp xanh của tương lai.
Đạo luật cho phép chính phủ các quốc gia thành viên thiết lập các nhà máy điều tiết để thử nghiệm các công nghệ xanh và cung cấp viện trợ nhà nước cho các dự án sản xuất nếu “chỉ riêng đầu tư tư nhân là không đủ”.
Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng nhằm cải thiện khả năng tự túc của khối đối với các khoáng chất cần thiết để sản xuất pin xe điện và các công nghệ xanh khác. Dự thảo luật nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc bằng cách đáp ứng 10% nhu cầu khai thác trong nước và 40% nhu cầu chế biến vào năm 2030. Các đề xuất này cũng nhằm tìm cách hạn chế tiêu thụ nguyên liệu thô chiến lược được chế biến ở bất kỳ quốc gia nào ngoài EU ở mức 65%.
Hiện tại, Trung Quốc đang xử lý gần 90% đất hiếm và 60% lithium, một nguyên tố chính cho pin.
Bối cảnh khủng hoảng Nga - Ukraine đã giúp EU củng cố thêm bài học kinh nghiệm trong đại dịch Covid-19, vì vậy, EU không thể dựa vào một nhà cung cấp duy nhất cho các nguyên vật liệu thiết yếu.
Giám đốc điều hành của EU sẽ công nhận các kế hoạch khai thác hoặc xử lý nguyên liệu thô là "các dự án chiến lược", cho phép họ được hưởng lợi từ các giấy phép hợp lý và khả năng tiếp cận nguồn tài chính.
Về thương mại, EU sẽ tìm cách mở rộng mạng lưới quan hệ đối tác của mình, chẳng hạn với Australia, Canada và Chile.
Ông Jochen Eickholt, Giám đốc điều hành Siemens Gamesa (ENR1n.DE), nhà sản xuất tua-bin ngoài khơi lớn nhất thế giới, cho biết Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng có khả năng thúc đẩy chuỗi cung ứng khai thác có trách nhiệm cần thiết cho ngành công nghiệp châu Âu.
EU tự sản xuất thiết bị công nghệ sạch
EU cũng đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 40% sản phẩm mà họ cần cho các công nghệ "net-zero" vào năm 2030, chẳng hạn năng lượng mặt trời hoặc pin nhiên liệu, bằng cách đơn giản hóa việc cấp giấy phép cho các dự án xanh.
Khối cũng đã công bố mục tiêu thu hồi 50 triệu tấn carbon vào năm 2030. Thu hồi carbon là một trong số các công nghệ "net-zero" được EU công nhận.
Liên minh châu Âu đặt mục tiêu thu hồi 50 triệu tấn carbon vào năm 2030. Ảnh: AFP. |
Tờ BusinessEurope mô tả đề xuất này là một "phạm vi hạn chế" và cho biết EU nên thừa nhận rằng, việc giảm thiểu cac-bon của châu Âu là ưu tiên hàng đầu của toàn bộ nền kinh tế.
Ông Colin Mackey, người đứng đầu các hoạt động tại châu Âu của Công ty khai thác Rio Tinto (RIO.L) đã hoan nghênh đạo luật về nguyên liệu thô quan trọng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, EU còn một chặng đường dài phía trước để đáp ứng được nhu cầu dự kiến bởi xuất phát điểm có nhiều khó khăn.
Nguồn: Báo Đầu tư