Fed sẽ lựa chọn giữ ổn định tài chính hay hạ nhiệt lạm phát?
Các nhà đầu tư dự đoán có 60% khả năng Fed (tức ngân hàng trung ương Mỹ) sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào cuộc họp chính sách hai ngày 21 - 22/3, với 40% còn lại dự đoán Ngân hàng trung ương này sẽ đóng băng lãi suất chủ chốt. Một số giám đốc điều hành ngân hàng đã lên tiếng kêu gọi Fed ưu tiên ổn định thị trường tài chính trước.
Theo ông Peter Orszag, Giám đốc điều hành phụ trách tư vấn tài chính tại ngân hàng đầu tư Lazard, Fed cần nhanh chóng ổn định thị trường tài chính, còn chính sách ổn định lạm phát thì có thể từ từ triển khai. Ông Orszag nói thêm" " Fed nên tạm dừng (trong cuộc họp tới) nhưng sẵn sàng tăng lãi suất dần dần khi tình hình có chuyển biến tốt".
Ngân hàng trung ương Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này. Các quan chức Fed không được đưa ra bất kỳ phát biểu về chính sách tiền tệ hay triển vọng kinh tế nào trước cuộc họp.
Năm ngoái, Fed đã tăng lãi suất với tốc độ chưa từng thấy kể từ những năm 1980 nhằm đẩy lùi lạm phát. Tương tự như ở bên kia bờ Đại Tây Dương, ngày 16/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm.
Lãi suất tăng nhanh sau nhiều năm “tiền rẻ” đã khiến các thị trường và ngành công nghiệp toàn cầu lao đao. Ở Mỹ, hai ngân hàng đã tuyên bố phá sản trong khi nhiều ngân hàng khác cũng đang chịu nhiều áp lực. Trong khi đó, ngân hàng lớn thứ 2 Thuỵ Sỹ Credit Suisse đang nỗ lực đạt được thỏa thuận giải cứu.
Sự xáo trộn trong lĩnh vực ngân hàng làm chao đảo các thị trường, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh trong tuần qua, với một số nhà đầu tư phàn nàn rằng sự dao động giá lớn đã khiến việc giao dịch trở nên khó khăn hơn.
Bob Schwartz, chuyên gia cấp cao tại công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, nhận định rằng các vấn đề của ngân hàng chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách. Đây không phải là vấn đề mang tính hệ thống mà là vấn đề thanh khoản, và Fed có thể giải quyết bằng các cơ chế cho vay của mình.
James Tabacchi, Tổng giám đốc của công ty môi giới South Street Securities, cho rằng Fed nên chờ khoảng một tháng để thị trường ổn định lại. Ông dự đoán Fed cuối cùng sẽ tăng lãi suất lên trên 6%. Lãi suất hiện tại của Fed là 4,5 - 4,75%.
Theo ông Orszag, người từng là Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, miễn là kỳ vọng lạm phát dài hạn không bị ảnh hưởng như trường hợp hiện nay, thì Fed vẫn còn thời gian. Tăng lãi suất quá nhanh có thể gây thiệt hại nghiêm trọng, ví dụ rõ nhất là cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay.
Nhiều yếu tố chỉ ra tác động kéo dài của đại dịch đối với lạm phát, chẳng hạn như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và hạn chế nhu cầu đi lại và giải trí. Trong một bài viết, ông Orszag và đồng tác giả Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, ước tính rằng các tác động trễ liên quan đến thời gian giao hàng có thể góp phần lớn khiến Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - không bao gồm năng lượng và thực phẩm vốn dễ dao động - tăng cao trong quý IV/2022. Sự gián đoạn sẽ được hóa giải theo thời gian và giúp giảm lạm phát trong năm nay.
Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Apollo Global Management, nhận định rằng sự hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng đã khiến các điều kiện tài chính trở nên thắt chặt hơn và làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Các chiến lược gia của quỹ đầu tư BlackRock lập luận rằng những thay đổi trong tuần qua cho thấy phản ứng của thị trường trước những nguy cơ mà lãi suất cao gây ra. Cái giá của việc đánh đổi giữa chống lạm phát và bảo vệ hoạt động kinh tế-ổn định tài chính hiện đã rõ ràng.
Tuy vậy, một số nhà quan sát lập luận rằng việc “đóng băng” lãi suất kéo dài có thể gây nguy cơ giá tiêu dùng tăng trở lại. Dữ liệu kinh tế gần đây của Mỹ cho thấy cuộc chiến lạm phát vẫn chưa chấm dứt. Giá tiêu dùng trong tháng 2/2023 tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp ba lần mục tiêu của Fed.
Nguồn: Báo Đầu tư