Quay lại

Tham gia TPP phải quan tâm sở hữu trí tuệ

Hội nhập TPP, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng đứng trước nhiều thử thách mới. Trong TPP, cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) là một nội dung rất quan trọng. Qui định về sở hữu trí tuệ trong TPP

Do tính chất quan trọng của SHTT nên trong 30 chương của Hiệp định TPP, người ta đã dành hẳn một chương riêng về SHTT, trong đó điều chỉnh các lĩnh vực về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các hình thức khác của quyền SHTT.

Những nội dung liên quan đến việc bảo vệ những chỉ dẫn địa lý mới, bao gồm cả những chỉ dẫn địa lý đã được công nhận hoặc được bảo vệ ở những hiệp định quốc tế khác. Việc bảo vệ này bao gồm cả việc phân định rõ mối quan hệ giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, Hiệp định TPP yêu cầu Việt Nam gia nhập Điều ước về Luật Nhãn hiệu. Điều ước đòi hỏi phải đơn giản hóa thủ tục, xác định quyền đối với nhãn hiệu, tức là thủ tục đăng ký nhãn hiệu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng Phòng Pháp chế, Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho biết, tham gia TPP, các nước yêu cầu phải bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tức là tên gọi của các địa phương dùng để chỉ dẫn hàng hóa, những đặc sản của vùng miền, ví dụ như “Cà phê Buôn Ma Thuột” hay “Nước mắm Phú Quốc”. Họ muốn chúng phải được bảo hộ như nhãn hiệu, thậm chí là nhãn hiệu cá thể.

Về bản quyền, chương về SHTT xây dựng những cam kết liên quan đến quyền của người sáng chế, và tạo ra bảo hộ rõ rệt đối với các tác phẩm như bài hát, phim, sách, và phần mềm, các biện pháp bảo vệ công nghệ và thông tin quản lý bản quyền.

Bên cạnh các cam kết này, chương về SHTT cũng bao gồm một nghĩa vụ - lần đầu tiên xuất hiện một hiệp định thương mại - đó là các nước thành viên phải có quy chế giám sát nhà cung cấp dịch vụ Internet nhằm ngăn chặn những nội dung vi phạm truyền qua mạng.

Chương này cũng yêu cầu các nước cung cấp công cụ hợp pháp để ngăn ngừa việc sử dụng sai các bí mật thương mại, và xây dựng các quy trình thủ tục và xử phạt hình sự đối với tội phạm trộm cắp bí mật thương mại, bao gồm cả trộm cắp qua mạng.

Cuối cùng, các thành viên TPP đồng ý cung cấp các hệ thống chế tài mạnh, bao gồm cả những quy trình thủ tục dân sự, các biện pháp tạm thời, các biện pháp quản lý biên giới và chế tài hình sự đối với tội giả mạo nhãn hiệu và vi phạm bản quyền.

Những chuẩn bị ban đầu

Với việc ban hành Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dưới luật để hướng dẫn thi hành luật này đối với các đối tượng quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, hệ thống các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã tương đồng và phù hợp với các cam kết WTO theo hiệp định TRIPS mà Việt Nam đã tham gia cũng như các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên như công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, Công ước Paris về quyền sở hữu công nghiệp và công ước UPOV về bảo hộ giống cây trồng.

Đối với việc thực thi bảo hộ các đối tượng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về thủ tục hành chính trong việc xử lý vi phạm, các thủ tục dân sự và hình sự theo Bộ luật tố tụng dân sự và Bộ luật tố tụng hình sự, Việt Nam cũng đã có những biện pháp để thúc đẩy việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ như chính phủ đã ban hành một loại các Nghị định và thông tư về SHTT, đặc biệt từ năm 2006 như Nghị định số 100/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự,Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan; Nghị định số 103/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp; Nghị định 104/2006/NĐ-CP Về việc quy định chi tiết,hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng; Nghị định số 105/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định số 106/2006/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp; Nghị định 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả,quyền liên quan; Nghị định số 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp….

Bộ KH và CN cũng đã có kế hoạch tuyên truyền những quy định của TPP, để doanh nghiệp có thời gian và kiến thức sẵn sàng ứng phó với các tình huống. Mặt khác, các doanh nghiệp được hỗ trợ để đăng ký SHTT đang có như kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, bằng sáng chế... để xác lập quyền được bảo hộ khi xảy ra tình huống tranh chấp.

Những công tác sắp tới

Yêu cầu của TPP là phải xử lý hình sự vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ. Pháp luật Việt Nam mới quy định xử phạt vi phạm hành chính. Hiện chúng ta mới chỉ làm tốt việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhưng việc thực thi lại rất hạn chế.

Hai vấn đề nữa về sở hữu trí tuệ là bảo hộ với dược phẩm và nông hóa phẩm Việt Nam. Việt Nam là nước nông nghiệp. Nếu phải đáp ứng theo các yêu cầu rất cao của TPP về nông hóa phẩm (bao gồm nhiều lĩnh vực như vắc xin thú  y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) thì ngành sản xuất nông nghiệp của ta sẽ bị ảnh hưởng lớn. Thực tế cho thấy, hàng triệu nông dân Việt Nam phải dành một phần lớn chi phí sản xuất cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… do vậy, tăng cường bảo hộ sáng chế đồng nghĩa với việc gia tăng các chi phí. Tuy nhiên, DN cũng có thể có nhiều lợi ích về mặt sở hữu trí tuệ (SHTT) khi Việt Nam tham gia TPP. DN sẽ yên tâm hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nếu xảy ra tranh chấp, có thể giải quyết thuận lợi. Ngoài ra, vấn đề tiêu chuẩn chất lượng sẽ được bảo đảm do sẽ có các trung tâm kiểm định của mỗi nước với  kết quả được công nhận lẫn nhau góp phần hạn chế những quy trình kiểm định hàng rào kĩ thuật phức tạp.

Về phía Nhà nước, để đáp ứng các yêu cầu của TPP, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Việt Nam sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật vì nhiều quy định của luật hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu rất cao của TPP. Trong lĩnh vực KHCN sẽ phải sửa Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chất lượng hàng hóa, sản phẩm; Luật Chuyển giao công nghệ... Lâu dài phải sửa Bộ luật Hình sự, Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ sắp tới phải xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó quy định rõ tội danh liên quan đến sở hữu trí tuệ và khung hình phạt với nội dung này.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế xây dựng đội ngũ giám định và các chuyên gia trong các ngành nghiên cứu khoa học, luật học và tư pháp về SHTT để bảo đảm thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ cho DN nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đặc biệt, phía Nhà nước còn phải thực hiện minh bạch hóa các thủ tục liên quan đến SHTT, các nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí… như theo điều 18.9 tại chương 18 về Sở hữu trí tuệ trong TPP:

Trích Điều 18.9: Sự minh bạch

1. Nhằm thực hiện Điều 26.2 (Xuất bản) và 18.73.1 (Thực thi quyền sở hữu trí tuệ), mỗi Bên phải nỗ lực để đăng tải luật, quy định, thủ tục và quy định hành chính áp dụng chung liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình trên Internet.

2. Mỗi Bên, tùy thuộc vào pháp luật của mình, phải nỗ lực đăng tải các thông tin được công bố về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng, bằng sáng chế và quyền đối với giống cây trồng, trên Internet.

3. Mỗi Bên, tùy thuộc vào pháp luật của mình, phải nỗ lực đăng tải các thông tin được công bố về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng, bằng sáng chế và quyền đối với giống cây trồng trên Internet đã được đăng ký hay cấp phép một cách đầy đủ nhằm giúp công chúng làm quen với các đối tượng đó.

Về phía doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn nhân lực và thị trường. Không thể có công nghệ tốt nếu như không có nhân lực tốt. Về thị trường, phải xây dựng chiến lược cạnh tranh. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ lưỡng về SHTT và ngay từ bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam nếu có tài sản trí tuệ cần phải đăng ký để được bảo hộ. Tối thiểu mỗi doanh nghiệp phải khẩn trương thực hiện ba việc: Nếu có tài sản trí tuệ thì phải đăng ký để được bảo hộ ngay lập tức như tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý. Thứ hai là nhanh chóng đổi mới công nghệ.

Tóm lại

Cần phải khẳng định rằng dù gia nhập hay không gia nhập TPP thì Việt Nam cũng cần phải xác định việc phát triển SHTT là một trong những con đường đúng đắn để nâng cao giá trị của nền kinh tế. Một đất nước đi gia công và xuất khẩu thô sẽ không thể là một đất nước có sự phát triển thần kỳ được.

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc thực thi biện pháp hành chính, rút ngắn thời gian xét xử các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ hay tập trung vào việc điều tra, truy  tố, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra niềm tin cho các chủ sở hữu quyền, bảo vệ tốt các quyền của họ sẽ giúp có động lực để các tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh và qua đó đáp ứng nhu cầu của xã hội. Doanh nghiệp cần chuẩn bị kĩ lưỡng cả hai yếu tố nguồn lực và thị trường để tham gia sân chơi SHTT của TPP.

(Tổng hợp – AT, ITPC)

Nguồn:

Vấn đề sở hữu trí tuệ trong đàm phán TPP

http://baohothuonghieu.com/banquyen/tin-chi-tiet/van-de-so-huu-tri-tue-trong-dam-phan-tpp/1499.html

Sở hữu trí tuệ trong TPP: Khó vẫn phải làm

http://baochinhphu.vn/Viet-Nam-va-TPP/So-huu-tri-tue-trong-TPP-Kho-van-phai-lam/238579.vgp

Sở hữu trí tuệ khi tham gia TPP

http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/27658902-so-huu-tri-tue-khi-tham-gia-tpp.html

Tham gia TPP phải chịu luật chơi sở hữu trí tuệ

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/tham-gia-tpp-phai-chiu-luat-choi-so-huu-tri-tue-918510.tpo