Thép Trung Quốc tiếp tục “ngập” thị trường toàn cầu

Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc xuất khẩu 53 triệu tấn thép, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổng lượng thép xuất khẩu cả năm nay của nước này được dự báo sẽ phá kỷ lục 110 tấn thiết lập vào năm 2015.

Tồn kho thép của các nhà sản xuất Trung Quốc hiện nhiều hơn khoảng 4 triệu tấn so với cùng thời điểm năm 2020 do nhu cầu tiêu thụ yếu trong nước khi nền kinh tế sụt tốc tăng trưởng và khủng hoảng bất động sản kéo dài.

GIÁ GIẢM SÂU

Thép Trung Quốc ngập trên các thị trường quốc tế khiến giá mặt hàng này giảm sâu. Theo tờ Nikkei Asia, giá thép cuộn cán nóng trên thị trường Đông Nam Á đã giảm từ khoảng 700-900 USD/tấn (bao gồm cước vận chuyển) trong giai đoạn từ năm 2021 đến giữa năm 2022 xuống còn khoảng 510-520 USD hiện tại.

Giá hợp đồng tương lai thép cuộn cán nóng kỳ hạn ngắn trên Sàn Hàng hóa Chicago cũng giảm mạnh từ hơn 1.000 USD/tấn vào cuối năm ngoái xuống còn khoảng 660 USD/tấn.

Tại Nhật, các nhà sản xuất thép lớn chịu thiệt hại lớn do giá giảm. Trong báo cáo kết quả kinh doanh hồi tháng 5, Nippon Steel dự báo giá thép giảm trên các thị trường quốc tế – chủ yếu do "ngập" trong thép Trung Quốc – có thể khiến công ty thiệt hại lợi nhuận khoảng 90 tỷ yên (573 triệu USD) trong năm tài khóa 2024 so với năm tài khóa 2023.

“Chúng tôi phải triển khai chiến lược với giả định rằng sản lượng thép của Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức cao và sẽ đẩy chúng tôi vào bối cảnh kinh doanh khó khăn”, Chủ tịch Tadashi Imai của Nippon Steel cho biết.

Trên thực tế, lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tương đối ít so với tổng sản lượng thép thô hơn 1 tỷ tấn của nước này năm ngoái. Tuy nhiên, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới này chiếm hơn 50% tổng sản lượng 1,89 tỷ tấn toàn cầu năm 2023. Do đó, nếu nhu cầu nội địa giảm, công suất dư thừa của nước này sẽ được đẩy sang xuất khẩu và tác động lớn tới thị trường toàn cầu.

Vào lần gần đây nhất khi xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng kỷ lục vào năm 2015, các nhà lãnh đạo của nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) và nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thảo luận về việc chấm dứt tình trạng dư thừa công suất và thành lập Diễn đàn Toàn cầu về Công suất thép dư thừa (GFSEC).

Trung Quốc là thành viên của G20, cùng với các quốc gia khác gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Còn G7 gồm các thành viên Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy.

Tuy nhiên, tới năm 2019, Trung Quốc rút khỏi GFSEC với lý do đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Công suất thép của nước này đã giảm trong giai đoạn từ năm 2016-2018 nhưng bắt đầu tăng trở lại vào năm 2019.

Tháng 4 năm nay, các nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành thực hiện một cuộc khảo sát với các nhà sản xuất thép và công ty thương mại thép trong nước và thông báo triển khai một chiến dịch toàn quốc nhằm kiềm chế sản lượng thép thô.

Tuy nhiên, sản lượng thép thô của nước này vẫn tăng 2,75% trong tháng 5 so với tháng trước đó. Điều này cho thấy các biện pháp cắt giảm sản lượng không mang lại hiệu quả. Một số chuyên gia trong ngành cho rằng các chính quyền địa phương ở Trung Quốc thay vì cắt giảm sản lượng thì đang khuyến khích các công ty duy trì hiện trạng nhằm tránh ảnh hưởng tới tình trạng thất nghiệp và tình hình tài chính của chính quyền.

MỐI LO NGẠI TOÀN CẦU

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất đối với các công ty thép tại các nước phát triển là xuất khẩu thép tấm chất lượng cao của Trung Quốc tăng mạnh.

Trong khi xuất khẩu thép thanh dùng trong xây dựng của Trung Quốc đã giảm xuống còn dưới 6 triệu tấn vào năm 2023 từ mức trên 30 triệu tấn năm 2015, xuất khẩu thép tấm cán nóng dùng trong sản xuất của nước này đã tăng hơn 40% lên 20 triệu tấn vào năm ngoái và đạt gần 12 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm nay.

Trong 7 tháng đầu năm nay, toàn cầu có 14 cuộc điều tra chống bán phá giá, trong đó có 10 cuộc nhằm vào hàng Trung Quốc - Ảnh: WSJ

Trong 7 tháng đầu năm nay, toàn cầu có 14 cuộc điều tra chống bán phá giá, trong đó có 10 cuộc nhằm vào hàng Trung Quốc - Ảnh: WSJ

Do rào cản thương mại tại một số quốc gia, thép Trung Quốc thường được xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc được xử lý theo hướng khác để tránh các biện pháp chống bán phá giá. Điều này làm dấy lên mối lo ngại tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm ngoái, toàn thế giới có 5 cuộc điều tra chống bán phá giá, trong đó có 3 cuộc nhằm vào hàng Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm nay, con số này đã tăng lên 14 cuộc điều tra, trong đó có 10 cuộc nhằm vào hàng Trung Quốc.

Dù vậy, số lượng các cuộc điều tra vẫn ít hơn so với 39 cuộc mỗi năm vào năm 2015 và 2016. Một số nhà quan sát cho rằng các nước đang phát triển vốn phụ thuộc vào Trung Quốc không muốn thực hiện các cuộc điều tra như vậy để tránh làm mất lòng Bắc Kinh.

“Trung Quốc đang đang dịch chuyển các cơ sở sản xuất xe điện và một số sản phẩm khác ra nước ngoài, theo đó xuất khẩu thép và các linh kiện sang các quốc gia này của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng”, ông Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang triển khai chiến lược thúc đẩy “các động lực sản xuất chất lượng mới” nhằm tăng đầu tư vào sản xuất chất lượng cao như xe điện và chế tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất thép nước này đang nhanh chóng tăng công suất thép tấm mạ điện dùng trong động cơ xe điện. Nếu tình trạng dư thừa công suất trong nước trở nên nghiêm trọng hơn, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ ghìm giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu, kích thích tăng trưởng kinh tế.

“Do đó, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong bối cảnh sắp diễn ra bầu cử tổng thống ở Mỹ”, ông Nishihama nhận định.

Nguồn: TBKTVN