Thu hút FDI: Kỳ vọng thêm những “đại bàng” từ Mỹ

Dè dặt chốt “deal”

Hơn 13,43 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy vẫn giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của dòng đầu tư toàn cầu, thì đây là con số tích cực.

Đáng chú ý, trong tổng vốn cam kết đó, nhà đầu tư Mỹ đóng góp hơn 405 triệu USD, đứng vị trí thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Một con số khá khiêm tốn, được đóng góp bởi 52 dự án mới, với vốn đăng ký 19,92 triệu USD; 11 dự án tăng vốn, với trên 308 triệu USD; 65 lượt góp vốn, mua cổ phần, với hơn 77 triệu USD.

Không quá khó để nhận ra, nếu chia bình quân, quy mô vốn đầu tư/dự án của nhà đầu tư Mỹ còn khá nhỏ. Nếu là dự án mới, bình quân chỉ hơn 383.000 USD/dự án. Nếu tính dự án tăng vốn, con số bình quân là 28 triệu USD. Còn nếu tính theo khoản đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, đạt 1,18 triệu USD/lượt.

Những con số trên cho thấy, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng, không phải chỉ ở tổng vốn đầu tư nói chung, mà còn ở cả quy mô vốn. Trong kỳ vọng của Việt Nam, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam sẽ là các dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến, có tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

Thực tế, trong những năm gần đây, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam không lớn. Kể từ năm 2018 tới năm 2022, các con số lần lượt chỉ là 540 triệu USD; 430,7 triệu USD; 360,2 triệu USD; 738,6 triệu USD và 748 triệu USD. Ở góc độ này, khoản cam kết 405 triệu USD của nhà đầu tư Mỹ trong nửa đầu năm nay là khá tích cực.

Có vẻ như, các nhà đầu tư Mỹ vẫn dè dặt trong việc chốt “deal” đầu tư vào Việt Nam. Không có các khoản đầu tư lớn, cho dù các nhà đầu tư Mỹ luôn khẳng định, “Việt Nam là điểm đến hàng đầu”.

Thông tin tích cực gần đây nhất là việc Tập đoàn P&G dự kiến mở rộng nhà máy ở Bình Dương. Trong cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương cách đây chưa lâu, bà Priyamvada Srivastava, Tổng giám đốc Procter & Gamble Việt Nam cho biết, P&G hiện có 2 nhà máy tại Bình Dương, với quy mô 300 triệu USD. Thời gian tới, P&G sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Bến Cát (Bình Dương).

Trong khi đó, cuối năm nay, Amkor - “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn, có trụ sở chính tại Arizona (Mỹ), nhưng nhà sáng lập là người Hàn Quốc, sẽ đưa nhà máy mới tại Bắc Ninh đi vào hoạt động. Dự án này có vốn đầu tư giai đoạn I là 500 triệu USD.

Chờ đợi thêm “đại bàng” đến từ Mỹ

Dù đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng chậm lại, nhưng luôn có kỳ vọng rằng, sẽ có thêm những “đại bàng” Mỹ vào Việt Nam, sau Intel, Coco-Cola, hay AES, PepsiCo, rồi Boeing, FedEx, Ford…

Kỳ vọng đó càng nhân lên khi vào tháng 3/2023, một đoàn gồm 52 tập đoàn Mỹ đã tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đây là đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay, lại trong rất nhiều lĩnh vực mới, bao gồm cả y tế, hàng không vũ trụ, kinh tế số, thương mại điện tử, bán dẫn…

Ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), khi ấy đã chia sẻ rằng, ông thấy thực sự thú vị và tuyệt vời khi một số nước láng giềng của Việt Nam nói: “Chúng ta đang phải cạnh tranh với Việt Nam”.

“Chưa bao giờ chúng tôi bận như bây giờ. Chúng tôi đã thấy nhu cầu lớn của các nhà đầu tư. Nhiều công ty Mỹ chưa tham gia đầu tư trước đây, thì bây giờ họ quan tâm đầu tư vào Việt Nam”, ông Ted Osius nói.

Các khẳng định về việc “đây là thời điểm để đến Việt Nam” cũng đã được đưa ra. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã khẳng định: “Mỹ phải là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam”.

Rất nhiều kỳ vọng cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Ông mong muốn không chỉ là các khoản đầu tư “truyền thống”, giống như việc năm ngoái Coca-Cola khởi công nhà máy 136 triệu USD ở Long An, mà là các “đại bàng” Mỹ đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư, như năng lượng xanh, bao gồm cả năng lượng của tương lai là hydro xanh, kinh tế số, y tế, chip bán dẫn…

Bộ trưởng cũng mong muốn các nhà đầu tư Mỹ tham gia vào việc phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế, dự kiến được thành lập tại TP.HCM. Hay như Boeing có thể đầu tư để biến Việt Nam trở thành trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng của ngành hàng không thế giới…

Không dễ để các mong muốn hay kế hoạch đó được hiện thực hóa. Tuy nhiên, sau khi cùng phái đoàn Mỹ sang Việt Nam tầm 2 tháng, vào trung tuần tháng 5/2023, Boeing đã chính thức khai trương văn phòng mới tại Hà Nội. Lần đầu tiên ghé thăm Việt Nam sau khi chính chức nhậm chức Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing, kiêm Chủ tịch Boeing Toàn cầu, ông Brendan Nelson AO khẳng định, Boeing sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ Việt Nam.

Cũng theo ông Brendan Nelson AO, Boeing đang nỗ lực để phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam, đồng thời đang xem xét nghiêm túc về đề nghị thành lập trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, theo như đề nghị của Chính phủ Việt Nam.

“Một trong những tiêu chí trong việc xem xét xây dựng trung tâm bảo dưỡng là phải có đủ số lượng máy bay Boeing, từ đó mới có thể vận hành hiệu quả trung tâm”, ông Brendan Nelson AO nói.

Có thể, đó cũng chính là một trong những băn khoăn của nhà đầu tư Mỹ khi “chốt deal” tại thị trường Việt Nam. Quy mô thị trường chưa đủ lớn, rồi các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch trong môi trường đầu tư, kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực…

Hướng tới các cam kết dài hạn

Mối quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ là có thật và thậm chí, theo ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành USABC, từ nay tới cuối năm, sẽ dày đặc các đoàn doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao biến các kế hoạch thành hiện thực và làm sao để ngày càng nhiều hơn các cam kết dài hạn được đưa ra.

Chia sẻ vấn đề này, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, Việt Nam cần sớm thúc đẩy đầu tư vào điện gió, điện mặt trời ngoài khơi, cũng như hệ thống pin lưu trữ.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nền kinh tế đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng mong chờ điều đó ở Việt Nam.

“Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư chất lượng cao và khá nhiều trong số đó cam kết thực hiện lộ trình trung hòa carbon, nên cần được tiếp cận năng lượng tái tạo sớm. Chính phủ cũng nên sớm phê duyệt kế hoạch thí điểm thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DPPA)”, ông Michael Michalak, Phó chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN của USABC nói.

Như vậy, trong hiện thời, câu chuyện thu hút đầu tư từ Mỹ, cũng như từ châu Âu, không chỉ đơn thuần là môi trường kinh doanh, thủ tục đầu tư, mà còn là vấn đề năng lượng sạch, phát triển xanh.

Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh việc nhiều nước Âu, Mỹ quy định hàng hóa nhập khẩu phải có tín chỉ carbon và phải sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Việc tiếp cận tín chỉ carbon và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nên nhiều đơn hàng phải chuyển sang các nước khác, nên cũng ảnh hưởng tới thu hút đầu tư từ châu Âu và Mỹ.

Có nhu cầu sử dụng năng lượng sạch và có năng lực để đầu tư trong lĩnh vực này, các nhà đầu tư Mỹ cũng đã khuyến nghị Việt Nam đẩy nhanh thực hiện.

“Kế hoạch của chúng tôi chỉ khả thi nếu có các chính sách và khung pháp lý thuận lợi của Chính phủ Việt Nam”, ông Joseph Frank Uddo III, Chủ tịch Tập đoàn AES nói.

AES đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng Việt Nam trong 12 năm qua và đang tiếp tục có các kế hoạch đầu tư lớn tại Việt Nam. Tháng 2/2023, AES đã nhận chủ trương đầu tư Dự án Điện khí Sơn Mỹ 2, quy mô 2,2 GW, vốn đầu tư 1,8 tỷ USD. Nếu các cơ chế, chính sách thuận lợi, AES sẽ sớm thúc đẩy quá trình đầu tư dự án này.

Tương tự, Intel sẽ tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới, sau khi đã thành công với dự án 1,5 tỷ USD ở TP.HCM. Intel đang trong quá trình đàm phán với Chính phủ Việt Nam về các cơ chế, chính sách cho dự án này.

Cơ hội đón thêm những “đại bàng” từ Mỹ không phải là không có. Nhưng rõ ràng, trong câu chuyện này, cần sự nỗ lực của cả hai phía: sự quyết tâm của nhà đầu tư Mỹ và nỗ lực trong cải cách và thực thi cơ chế, chính sách của Việt Nam.

Tính đến ngày 20/6/2023, Mỹ có 1.270 dự án đầu tư còn có hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 11,729 tỷ USD. Mỹ đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn một khoản vốn không nhỏ được Mỹ đầu tư vào Việt Nam thông qua nước thứ ba.

Nguồn: Báo Đầu tư