Thủ tướng yêu cầu kiên định mục tiêu, thực hiện "3 tăng tốc"
Chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu trong cả nước.
Phiên họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, quý 2 và 6 tháng đầu năm năm 2025; tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, công tác cải cách thủ tục hành chính; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 7/2025 và trong thời gian tới.
Phiên họp cũng đánh giá về tình hình vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, với các ý kiến của cấp bộ, cấp tỉnh và cấp xã. Trong đó, lãnh đạo một số địa phương cấp xã đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện các dịch vụ công, khám chữa bệnh cho người dân và triển khai các dự án.
BA TĂNG TỐC
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận các kết quả đạt được nhưng cũng chỉ rõ một số điểm đáng lưu ý về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.
Tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, tỷ giá còn cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn. Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% còn rất nhiều khó khăn, áp lực. Một số quy định pháp luật còn chưa thuận lợi; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; bộ máy cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào hoạt động từ 1/7/2025, cần thời gian. Buôn lậu, gian lận xuất xứ, hàng giả, không rõ nguồn gốc, tình trạng găm hàng, đội giá, thao túng thị trường… và thiên tai, biến đổi khí hậu… còn diễn biến phức tạp.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trong xu thế kinh tế toàn cầu suy giảm tăng trưởng, chúng ta vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo.
Do đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu 3 tăng tốc.
Một là, tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng;
Hai là, tăng tốc, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31/12/2025;
Ba là, tăng tốc, dồn lực để hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước 27/7, trên phạm vi toàn quốc trước ngày 31/8/2025 và hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội trước 31/12/2025.
Hội nghị thống nhất cao các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã nêu trong báo cáo của Bộ Tài chính và ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm.
11 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Thứ nhất, thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, giải quyết kịp thời chính sách, chế độ đối với các trường hợp nghỉ việc sau sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc, phương tiện và tài sản công, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực, ưu tiên sắp xếp, bố trí cho y tế, giáo dục, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng; triển khai hiệu quả 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền.
Cùng với đó, rà soát, sửa đổi quy hoạch các cấp phù hợp với đơn vị hành chính mới; tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (không duy trì Cổng dịch vụ cấp tỉnh từ 1/7/2025), bảo đảm thông suốt, không để ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân; tổ chức hiệu quả Bộ phận thường trực tại Bộ, cơ quan (đầu mối phụ trách, đường dây nóng), tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp, xử lý vướng mắc phát sinh của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bộ Nội vụ chủ động theo dõi, đôn đốc, nắm bắt tình hình thực tế; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và phản ánh, kiến nghị trong quá trình triển khai kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để chỉ đạo xử lý.
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: VGP
Thứ hai, tập trung thực hiện chủ động, linh hoạt các giải pháp thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Coi đây là cơ hội tái cơ cấu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, nhanh, bền vững, tuần hoàn; nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa việc đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Thứ ba, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng trên 16%); chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường; xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2025.
Thủ tướng cũng yêu cầu giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng cường quản lý thị trường vàng; khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 24 trong tháng 7/2025; quyết liệt triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đã có; triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước; tiếp tục mở rộng cơ sở thu, nhất là thu từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; đẩy mạnh đầu tư công và thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên (thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên theo Nghị quyết Chính phủ) để làm an sinh xã hội.
Thứ tư, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, lượng tử, sinh học, không gian ngầm, không gian biển, vũ trụ…).
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng của 34 tỉnh, thành phố mới; đôn đốc, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; khẩn trương trình dự thảo Nghị quyết triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam trước ngày 15/7; bố trí kịp thời kinh phí cho các Nghị quyết số 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị và cho cán bộ nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính, triển khai chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ Công Thương khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết; thúc đẩy các FTA mới, nhất là với các quốc gia mới nâng cấp quan hệ ngoại giao, khu vực có tiềm năng (Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin, Trung Á…); không để thiếu điện, thiếu xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam; khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam trước ngày 10/7/2025, dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược trước ngày 05/7/2025, dự thảo Nghị định về xuất xứ hàng hóa trước ngày 15/7/2025.
Bộ Xây dựng chủ trì đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển trong 2025; thực hiện ngay các giải pháp đối với giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao theo Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 10/6/2025.
Yêu cầu khẩn trương chuẩn bị triển khai các dự án đường sắt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng, các cơ quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình; trên cơ sở đó, xem xét các nhà đầu tư, phương án đầu tư (gồm cả trong và ngoài nước, cả khu vực nhà nước và tư nhân), bảo đảm khoa học, công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng, phương án nào có lợi nhất cho đất nước thì làm và quyết tâm chuyển giao công nghệ để phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Thứ năm, tiếp tục tập trung xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài. Trong đó Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phối hợp chặt chẽ, tập trung xử lý 2.365 dự án vướng mắc, tồn đọng kéo dài theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành văn bản hướng dẫn, kế hoạch triển khai thi hành, tổ chức thực hiện các Luật, Nghị quyết; tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực; tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng…
Bộ Công an chủ trì tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, đẩy mạnh chuyển đổi số; đẩy nhanh việc chia sẻ dữ liệu, nhất là dữ liệu về dân cư, tư pháp, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, đất đai…
Bộ Tư pháp chủ trì trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành các Nghị quyết số 197 và 206 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng, thi hành pháp luật và xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.
Thứ bảy, triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ triển khai "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị.
Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 71 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương giao.
Bộ Tài chính trình ban hành kế hoạch cụ thể triển khai Nghị quyết số 138 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân; khẩn trương hoàn thiện, trình Bộ Chính trị Nghị quyết về phát triển kinh tế nhà nước vào đầu tháng 7/2025.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung hoàn thiện hồ sơ, trình dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong đầu tháng 7/2025.
Bộ Y tế tập trung hoàn thiện hồ sơ, trình dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, công tác dân số và phát triển trong đầu tháng 7/2025; đẩy mạnh triển khai Sổ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử trên phạm vi cả nước.
Thứ tám, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Bộ Nội vụ, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, các địa phương tổ chức tốt các hoạt động Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan, các địa phương tập trung thực hiện các chính sách nhà ở cho người có công, người nghèo có thu nhập thấp, bảo đảm người dân "an cư lạc nghiệp"; hoàn thành hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước 27/7/2025; hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước 31/8/2025.
Bộ Xây dựng tập trung triển khai xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; khẩn trương thành lập Quỹ nhà ở xã hội quốc gia. Thủ tướng lưu ý, ngoài chính sách tín dụng, các địa phương phải quan tâm quy hoạch, bố trí quỹ đất, tăng nguồn cung, kiểm soát giá cả nhà ở xã hội ở mức hợp lý.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tăng cường quảng bá thu hút khách du lịch, nhất là dịp hè 2025; ngăn chặn, xử lý nghiêm quảng cáo sai sự thật.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương lưu ý công tác phòng chống bão lũ trong mùa mưa này, không để bị động, bất ngờ.
Thứ chín, chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 80 năm ngày Truyền thống Công an nhân dân, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì khẩn trương triển khai các công việc phục vụ Triển lãm với chủ đề "80 năm Hành trình Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Bộ Xây dựng chủ trì chuẩn bị lễ khởi công, khánh thành đồng loạt 80 công trình trên cả nước nhân dịp kỷ niệm đặc biệt quan trọng này vào ngày 19/8/2025.
Thứ mười, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Mười một, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, chú trọng hơn nữa truyền thông chính sách, nhất là liên quan tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, xây dựng điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, hiệu quả, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tạo sức lan toả, đồng thuận xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nguồn: TBKTVN