Tìm giải pháp giải cứu ngành tôm

Tại đầm nuôi của nông dân ở ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…, giá tôm xuất bán từ chỗ 150.000 đồng/kg loại 40 con/kg vào tháng 4/2023, thì nay thương lái chỉ thu mua với giá 95.000 đồng/kg. Tương tự, giá tôm thẻ loại 100 con/kg hiện chỉ được thương lái mua chỉ từ 65.000-75.000 đồng, giảm 38% so với 2 tháng trước. Không chỉ rớt giá, tôm nguyên liệu loại từ 40 - 70 con/kg cũng rất khó tìm đầu ra, do vậy các thương lái đang tạm ngừng thu mua do giá bán rất thấp.

GIÁ BÁN THẤP, CHI PHÍ CAO, XUẤT KHẨU GIẢM
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), nguyên nhân khiến giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng liên tục giảm trong thời gian qua là do xuất khẩu lao dốc. Đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành đã giảm từ 20 - 50%, tồn kho tăng, khiến các doanh nghiệp chế biến tôm buộc phải giảm thu mua tôm nguyên liệu.

Sức mua tôm ở hai thị trường chính là EU và Mỹ vẫn giảm mạnh do lạm phát tăng cao. Xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 892 triệu USD, giảm 44,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngay cả với thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng xuất khẩu tôm sang thị trường này vẫn giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết địa phương dự kiến thả nuôi khoảng 51.000 ha tôm trong năm 2023 nhưng đến nay mới thả nuôi được 30% diện tích. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, cộng với giá tôm nguyên liệu gần đây có chiều hướng giảm nên người nuôi thận trọng trong việc thả giống.

Phân tích rõ hơn, ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho hay trong khi giá bán tôm đang giảm mạnh thì các chi phí đầu vào như giá thức ăn, con giống và các vật tư khác liên tục tăng; chi phí giao thông, vận chuyển cũng cao do hạ tầng yếu kém. Chi phí đầu vào nuôi tôm đang dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg (tùy người nuôi). Với giá tôm hiện nay, người nào nuôi giỏi mới có lãi, còn lại đều bị lỗ.

Trước thực tế này, TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty  FIMEX, nguyên Chủ tịch VASEP, cho rằng lúc này chuyện giải cứu giá tôm là việc phải làm, càng nhanh càng tốt. Trước tiên, phải tìm hiểu nguyên nhân một cách cặn kẽ, coi yếu tố nào có ảnh hưởng lớn, cần quan tâm hơn và tiếp đó xem xét cách thức xử lý.

Tuy nhiên, cái khó là ở từng góc nhìn sẽ đưa ra các yếu tố tác động giá tôm khác nhau. Đến thời điểm này, tất cả đều thống nhất ở yếu tố khách quan. Đó là lạm phát, suy thoái toàn cầu khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; đó là mức cung ứng tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ ngày càng nhiều, tạo áp lực quá lớn để giá cả không thể phục hồi. Đồng thời, các kho hàng của các hệ thống phân phối lớn các thị trường tiêu thụ lớn còn khá đầy…

Về chủ quan, ông Lực chỉ ra trách nhiệm các mắt xích hình thành chuỗi giá trị con tôm có phần đang đùn đẩy trách nhiệm. Nhà chế biến nói do tỷ lệ nuôi thành công thấp khiến giá thành tôm nuôi cao, đội giá nên khó tiêu thụ. Mắt xích khác cho rằng nhà chế biến ép giá mua đối với người nuôi. Người nuôi nói nhà cung ứng tôm giống không sạch bệnh khiến tôm nuôi bị thiệt hại.  Theo ông Lực, đây là “mớ bòng bong” cần được tháo gỡ.

CẦN GIẢI PHÁP TỔNG THỂ ĐỂ PHỤC HỒI SẢN XUẤT
“Tình trạng thua lỗ khiến người nuôi tôm “treo ao”, ngừng thả con giống sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong toàn chuỗi ngành tôm. Đầu vào cho hình thành con tôm post (tôm giống thông thường), thức ăn đã chuẩn bị rồi, nay xử lý ra sao khi hầu hết các yếu tố này sử dụng có thời hạn. Nhà chế biến ra sao khi không có nguyên liệu, tiền đâu lo cho người lao động, trả nợ vay ngân hàng”, ông Lực cảnh báo.

Được biết, VASEP và Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận đang phối hợp hình thành liên minh tập trung các doanh nghiệp ngành tôm để cùng tìm giải pháp, sách lược ứng phó. Liên minh này còn có sự tham gia của các mắt xích trong chuỗi giá trị con tôm, nhất là mắt xích con giống và chế biến tiêu thụ. Cuộc họp đầu tiên giữa hai bên đã diễn ra vào cuối tháng 5/2023.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu tôm trong năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp quản lý, bình ổn giá cả vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm, tránh tình trạng tăng giá liên tục như hiện nay. Đồng thời, quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh để tình trạng tôm rớt giá ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Nguồn: TBKTVN