Quay lại

Xuất khẩu của Nhật Bản bất ngờ giảm, tỷ giá đồng Yên trượt sâu thêm

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản lần đầu tiên giảm trong hơn 2 năm, trong bối cảnh nhu cầu của thị trường toàn cầu suy yếu. Đây là báo hiệu về trở ngại đối với sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản, vốn đang ngày càng phụ thuộc vào thị trường bên ngoài vì tiêu dùng trong nước èo uột.

Số liệu thống kê do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 17/8 cho thấy giá trị xuất khẩu tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021. Trong số các nhóm mặt hàng xuất khẩu của Nhật, mức giảm mạnh nhất trong tháng 7 thuộc về thiết bị sản xuất chip và linh kiện, trong khi xuất khẩu ô tô tăng. Trước đó, giới chuyên gia kinh tế dự báo kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 7 giảm 0,2%.

Xuất khẩu giảm tháng thứ tư liên tiếp, với mức giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2020 nhờ giá hàng hoá cơ bản giảm. Tuy nhiên, mức giảm này là thấp hơn so với dự báo giảm 15,2% mà giới chuyên gia đưa ra trước đó.

Cán cân thương mại tháng 7 của Nhật Bản rơi vào trạng thái thâm hụt, với mức thâm hụt 78,7 tỷ Yên, tương đương 538 triệu USD, sau khi thặng dư 43 tỷ Yên trong tháng 6. Giới chuyên gia đã dự báo mức thặng dư 47,9 tỷ Yên cho tháng 7.

Các số liệu trên được công bố một ngày sau khi báo cáo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cho thấy nền kinh tế Nhật Bản tăng 6% trong quý 2. Phần lớn sự tăng trưởng này có được là nhờ nhu cầu của thị trường bên ngoài.

Cùng với những dấu hiệu về sự èo uột của nhu cầu nội địa, thể hiện qua việc chi tiêu của các hộ gia đình trong tháng 6 giảm tháng thứ tư liên tiếp, số liệu xuất khẩu mới nhất của Nhật Bản củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong lúc chờ xem liệu tăng trưởng tiền lương có trở thành một xu hướng bền vững hay không.

Kỳ vọng này tiếp tục gây áp lực mất giá lên đồng Yên Nhật, vì với sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ giữ lãi suất ở trạng thái thắt chặt trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát.

Trong phiên giao dịch sáng 17/8, tỷ giá đồng Yên so với USD có lúc giảm còn 146,565 Yên đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Tháng 9/2022, Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để vực dậy tỷ giá khi Yên giảm quá mức 145 Yên đổi 1 USD. Bởi vậy, mức tỷ giá hiện nay khiến thị trường tài chính toàn cầu chờ đợi một sự can thiệp nào đó từ giới chức Nhật Bản, ít nhất là bằng những lời cảnh báo.

“Tỷ giá Yên giảm mạnh so với USD chắc chắn làm gia tăng khả năng nhà chức trách Nhật Bản sẽ phải can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá”, chiến lược gia Carol Kong của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nhận định với hãng tin Reuters.

Số liệu xuất khẩu của Nhật Bản tiếp tục phản ánh tình trạng không đồng đều tại các nền kinh tế khác trên thế giới. Xuất khẩu của Nhật sang Mỹ trong tháng 7 tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng tốc so với tháng 6. Xuất khẩu sang châu Âu tăng 12,4%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, giảm 13,4% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1, trong đó xuất khẩu ô tô, con chip và linh kiện chip đều giảm với tốc độ 2 con số.

Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đã giảm liên tục 8 tháng, một xu hướng có thể tiếp tục duy trì vì nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng đuối sức. Quý 2 vừa qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu hơn dự báo, và sau đó, nền kinh tế này tiếp tục phát đi những số liệu ảm đạm, khiến giới chuyên gia kinh tế cắt giảm dự báo mức tăng trưởng cả năm 2023.

Một điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Nhật Bản hiện nay là sự phục hồi của ngành du lịch nước này. Số du khách quốc tế tới nhật Bản đã vượt mốc 2 triệu lượt tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 7 vừa qua, đạt mức khoảng 78% so với trước đại dịch. Đà phục hồi ngành du lịch Nhật Bản có thể được đẩy mạnh trong những tháng tới, khi Trung Quốc vào tuần trước đã dỡ lệnh cấm đối với việc tổ chức tour du lịch tới Nhật.

Viện Nghiên cứu Daiwa dự báo khách tour Trung Quốc sẽ giúp tăng chi tiêu của du khách ở Nhật thêm khoảng 200 tỷ Yên, đạt mức 4,1 nghìn tỷ Yên, tương đương hơn 28 tỷ USD, trong năm nay.

Đồng Yên yếu là một nhân tố thúc đẩy khách quốc tế đổ tới Nhật Bản, đồng thời cải thiện lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu của nước này, nhưng cũng gây áp lực tăng chi phí nhập khẩu.

Nguồn: TBKTVN