Xuất khẩu gạo đang rất “sáng”: Cần tăng cường hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp

Chủ trì cuộc họp về xuất khẩu gạo, ngày 6/7/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: "Bộ sẽ sớm làm việc với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay".

LO KHÔNG ĐỦ GẠO XUẤT KHẨU?
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. 

Theo ông Hòa, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trong nửa đầu năm nay với khối lượng đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 772 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng tới 31% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với khối lượng hơn 632.000 tấn (tăng 63%), trị giá 364 triệu USD (tăng 79%), thị phần chiếm 19%. Indonesia là thị trường bất ngờ vươn lên vị trí số ba về thị trường xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2023 với khối lượng đạt 369.032 tấn, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, Đài Loan tăng 142%, Senegal tăng 1.147%, Chile tăng 4.120%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15.972%... Xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU cũng tăng trưởng ở mức ba con số, như Ba Lan tăng 117%, Bỉ tăng 165%, Tây Ban Nha tăng 308%...

Đề cập về tình hình cung cầu gạo trên thế giới, ông Hòa thông tin, thương mại gạo toàn cầu năm 2023 giảm 275.000 tấn xuống còn 55,4 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2022. Trong số đó, xuất khẩu giảm tại Argentina, Brazil, Myanmar, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ được bù đắp bởi các lô hàng tăng từ Australia, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

"Trong 6 tháng cuối năm là cơ hội xuất khẩu gạo rất tốt vì sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino. Nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế", ông Hòa nhấn mạnh.

"Nhu cầu từ các đối tác nhập khẩu trong nửa cuối năm 2023 cần ít nhất 4 triệu tấn gạo. Năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,13 triệu tấn, với kim ngạch kỷ lục 3,45 tỷ USD. Dự kiến năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sẽ tăng thêm 1 triệu tấn so với năm ngoái, liệu có đủ gạo cho nhu cầu xuất khẩu?", ông Hòa băn khoăn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp ngày 6/7/2023.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp ngày 6/7/2023.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết diện tích trồng lúa vụ đông xuân năm nay giảm 40.000ha so với vụ đông xuân năm trước, nhưng nhờ đưa tiến bộ kỹ thuật vào, nên sản lượng vẫn tăng 250.000 tấn. Kế hoạch sản xuất cả năm 2023 sẽ gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, năng suất trung bình ước đạt 60,7 tạ/ha. Sản lượng dự kiến 43,11 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022.

Diện tích đã thu hoạch đến nay khoảng 3,3 triệu ha (đạt 46,8% kế hoạch), sản lượng đã thu được khoảng 21,8 triệu. Dự kiến, diện lúa còn lại 3,75 triệu ha (tương đương với sản lượng 21 triệu tấn) sẽ được thu hoạch từ nay đến cuối năm 2023 và tháng 1/2024.

CẦN TĂNG VỐN TÍN DỤNG CHO LÚA GẠO
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng không lo thiếu gạo cho xuất khẩu, và cũng không nên hạn chế xuất khẩu gạo. Bởi vì, Việt Nam cũng nhập khẩu 1,3 triệu tấn lúa và gạo; trong đó nhập khẩu từ Campuchia nhiều nhất với 1 triệu tấn lúa.

Với tình hình hiện nay sản xuất được bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu, bà Tâm cho biết hiện Tổng cục Dự trữ nhà nước cũng mở thầu gạo dự trữ nên nhu cầu gạo càng cao. Do đó, bên cạnh đảm bảo thành tích cuối năm cũng cần tính đến an ninh lương thực quốc gia và hàng tồn kho cho đầu năm 2024.

“Hiện xuất khẩu gạo đang thuận lợi, đặc biệt cuối năm bởi các thị trường lớn vẫn mua mạnh như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… Điển hình vài ngày tới, Indonesia tiếp tuc mở thầu 300.000 tấn và dự kiến sẽ liên tục mở thầu. Điều này sẽ làm cho giá gạo các nước sẽ tăng”, bà Tâm nói thông tin.

“Lãi suất là rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong hành động thu mua, vì vậy các ngân hàng nên có chính sách kịp thời cho doang nghiệp lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi khi vào vụ thu hoạch mà lãi suất cao thì doanh nghiệp sẽ “rón rén” trong thu mua. Nếu lãi suất hợp lý thì doanh nghiệp sẽ hành động mạnh dạn, hành động sớm hơn trong thu mua".

Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long.

Hiện nay, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là vấn đề vốn, tín dụng. Do đó, bà Tâm kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.

"Cần tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo, có thể chỉ cần áp dụng trong thời điểm thu hoạch, mùa vụ cao điểm và dựa trên kết quả thẩm định, lịch sử kinh doanh của từng doanh nghiệp để có chương trình cho vay vốn phù hợp", bà Tâm đề nghị.

Cũng nêu về nhu cầu vốn, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, cho biết doanh nghiệp lúa gạo được vay vốn trung - dài hạn chưa được nhiều, chủ yếu vốn ngắn hạn để thu mua khi vào vụ. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nên có chính sách ưu đãi hơn cho đầu tư dài hạn. Vì bản chất nâng cao giá trị lúa gạo nằm ở cả chuỗi giá trị, từ khâu trồng, sản xuất, thu mua đến sấy, bảo quản, chế biến sau thu hoạch. 

Sau khi nghe các đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp báo cáo, trình bày ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính xuất khẩu gạo cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn, thu về 4 tỉ USD.

Trước nhu cầu thế giới về gạo đang cao, trong khi các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ sẽ sớm làm việc với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác để có cuộc họp nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay. Cùng với đó là tìm ra các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.

Đồng thời, Bộ đang điều hành đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030, cũng như Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ cũng sẽ sớm trình Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”.

Nguồn: TBKTVN