Xuất khẩu thủy sản vẫn “ngóng” tín hiệu phục hồi từ thị trường tiêu thụ

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2023 ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21% so với tháng 6/2022.

Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay, nhưng vẫn giảm 18% so với tháng 6/2022 - đây cũng là mức giảm thấp nhất từ đầu năm. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm 2022.

XUẤT KHẨU TÔM, CÁ TRA, CÁ NGỪ… CÙNG SUY GIẢM
Đối với ngành hàng cá tra, xuất khẩu trong tháng 6 ước đạt 156 triệu USD, vẫn thấp hơn 26% so với tháng 6/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra ước đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ngoài những khó khăn từ phía thị trường tiêu thụ kém, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm và cá tra bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên… 

Diễn biến xuất khẩu thủy sản từng tháng trong 6 tháng đầu năm 2023. Nguồn:VASEP.

Diễn biến xuất khẩu thủy sản từng tháng trong 6 tháng đầu năm 2023. Nguồn:VASEP.

Đối với ngành hàng cá ngừ, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6/2023 giảm 29%, chỉ đạt 64 triệu USD. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 380 triệu USD, giảm 31% so với cùng năm trước.

"Những biến động về cung, cầu và lạm phát tại nhiều thị trường chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kìm hãm sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tại Mỹ, EU... Do đó, dự báo về thị trường cũng thiếu cơ sở và độ chắc chắn. Song, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản khó có thể phục hồi, nếu có thì sẽ phục hồi chậm”.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP, những con số tăng trưởng âm nhiều hơn trong tháng 6 cho thấy, xuất khẩu cá ngừ và các mặt hàng hải sản khác có tín hiệu xấu đi trước những áp lực thiếu nguyên liệu và sự kiểm soát ngày càng chặt của thị trường nhập khẩu, điển hình là thị trường EU, liên quan đến kiểm soát an toàn thực phẩm và qui định chống khai thác IUU.

Xuất khẩu các loại cá biển khác giảm sâu hơn tháng trước với mức giảm 17%, chỉ đạt 157 triệu USD, dù những tháng trước có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu các mặt hàng khác như mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ  trong tháng 6/2023 cũng giảm từ 17-30% so với cùng kỳ.

Bà Lê Hằng nhận định, nhìn chung các thị trường nhập khẩu chính của thủy sản như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... bị chi phối bởi 2 yếu tố chính: lạm phát và tồn kho. Lượng tồn kho đang được giải tỏa dần ở các thị trường, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuổi năm. Tuy nhiên, lạm phát tại nhiều thị trường chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đó sẽ là "cái phanh" kìm hãm sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tại Mỹ, EU...

Bên cạnh đó, Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá, điển hình là Ecuador, Ấn Độ… Trong khi sức khỏe và sức chịu đựng của nông ngư dân và doanh nghiệp trong nước suy yếu vì chi phí sản xuất tăng, giá bán giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, cạn kiệt vốn và khó tiếp cận vốn vay để duy trì sản xuất, xuất khẩu.

MONG NGÓNG NGUỒN TÍN DỤNG MỚI ĐỂ THU MUA NGUYÊN LIỆU
Tại đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú mới đây, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty này đưa ra nhận định: "Thị trường xuất khẩu thủy sản tháng 8/2023 trở đi sẽ tốt lên khi nguồn cung tôm nguyên liệu tại các nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam đều giảm mạnh, trong khi đó, nhu cầu trên thế giới dần phục hồi. Như vậy, tình hình tôm nguyên liệu cuối năm sẽ thiếu. Do đó, các đơn vị sẽ có cơ hội bán và giảm hàng tồn kho khi nhu cầu tiêu thụ vào mùa lễ hội cao điểm cuối năm tăng cao".

"Thời điểm này, nông dân nuôi tôm ở Ấn Độ đang treo ao khoảng 30 - 50%. Ngoài ra Ecuador đang chịu ảnh hưởng bởi El Nino khiến hoạt động nuôi tôm không hiệu quả, tôm chết nhiều, ước tính thiệt hại 30%. Tại Việt Nam, do giá tôm thấp nên nhiều người treo ao, sản lượng giảm 30 - 50%".

Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú.

Theo ông Quang, hiện nay giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ thì giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8 - 5 USD/kg) cao gấp đôi so với Ecuador (2,3 - 2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4 - 3,8 USD/kg). Điều này khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục trong các tháng vừa qua, gây ra nhiều hệ lụy cho toàn ngành tôm.

Trong hoàn cảnh xuất khẩu suy giảm, nông dân treo ao khiến nguồn cung nguyên liệu thủy sản cuối năm thiếu hụt, các doanh nghiệp thủy sản đang mong ngóng được tiếp cận được nguồn tín dụng để mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2023 và quý 1/2024. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi tôm có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi trong giai đoạn hiện nay thay vì treo ao.

Nhận định về tình hình thị trưởng 6 tháng cuối năm, VASEP cho rằng một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... vẫn được coi là điểm đến lạc quan cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, đó là hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Bởi vì ở những thị trường này, chúng ta chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc.

Cụ thể, lượng tồn kho đang được giải tỏa dần ở các thị trường, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á cũng được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn.

Nguồn: TBKTVN