Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh

Theo số liệu sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, nửa đầu tháng 7/2023 cả nước xuất khẩu 249.273 tấn gạo, kim ngạch đạt 135,45 triệu USD.

Tính chung từ đầu năm đến 15/7, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng 28% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, do kim ngạch tăng trưởng cao hơn lượng nên trị giá bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu năm nay cũng cao hơn cùng kỳ 2022. Cụ thể, từ đầu năm đến 15/7, trị giá bình quân đạt hơn 530 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ gần 490 USD/tấn.

Theo số liệu được cập nhật trong 6 tháng đầu năm 2023, 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều năm ở châu Á gồm: Philippines, Trung Quốc và Indonesia với kết quả lần lượt là: 1.698.593 tấn, 857,7 triệu USD; 677.387 tấn, 390,6 triệu USD; 492.801 tấn, 244 triệu USD. Hoạt động xuất khẩu sang 3 thị trường chủ lực đều có tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, ngày 20/7/2023, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ra thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường, quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, việc Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo sẽ tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu.

Trước thông tin này, Cục Xuất nhập khẩu đã khẩn trương có văn bản gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Để góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa; bình ổn giá thóc, gạo trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, trong văn bản gửi đi, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam... tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu yêu cầu các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp với các Bộ, ngành liên quan.

Đối với thương nhân, Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về việc thu mua thóc, gạo hàng hoá nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực; Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức phương án sản xuất, xuất khẩu phù hợp, đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả. Đặc biệt, các thương nhân cần nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.

Nguồn: TBKTVN