Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Quảng Tây vẫn là thị trường trọng điểm

Ngày 8/3/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn trực tuyến 'Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây- Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái - Đông Hưng”. Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại TP. HCM và đại diện một số đơn vị chức năng của TP. Đông Hưng tại điểm cầu Trung Quốc.

50% NÔNG SẢN XUẤT KHẨU VIỆT NAM SANG TRUNG QUỐC LÀ VÀO QUẢNG TÂY
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc, đối với hàng nông sản, một số mặt hàng thế mạnh, có truyền thống được Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là: gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt điều. Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu mạnh rau quả, phân bón các loại và gỗ.

Đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò tỉnh Quảng Ninh với Quảng Tây trong quan hệ thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết Quảng Tây là thị trường trọng điểm cho xuất khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam, chiếm gần 50% trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đây là khu vực có lượng hàng hóa nhập khẩu lớn, chiếm tới 47,5% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc. Về xuất khẩu qua Quảng Ninh sang Quảng Tây Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa, chiếm 15,4% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết Quảng Ninh là điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai”, là cầu nối trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học công nghệ, đầu tư giữa Đông Bắc Á - Đông Nam Á. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong kết nối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thứ 3 với thị trường Trung Quốc.

"Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh đạt trên 5,6 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đạt gần 1,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20% trong kim ngạch xuất khẩu. Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh đạt 663 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022".

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái cho biết hiện nay, hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn Móng Cái và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cùng như số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Thời gian qua, lượng hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối thông quan này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm. Trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu qua Móng Cái đạt 116.275 tấn tăng 22% so cùng kỳ 2022.

Theo bà Ngọc, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh. Cần tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm.

Ông Hoàng Vệ, Phó Cục trưởng Cục quản lý thương mại và cửa khẩu Đông Hưng phía Trung Quốc, cho biết sắp tới, thành phố Đông Hưng sẽ thực hiện chính sách “Vành đai – Con đường”, trở thành điểm xuất phát từ vùng biển phía tây của Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu nông sản, tối ưu các công tác ở cửa khẩu, xây dựng môi trường kinh doanh tốt giữa thành phố Đông Hưng và thành phố Móng Cái. Đồng thời sẽ phối hợp phía Việt Nam xây dựng “Cửa khẩu trí tuệ”. Đông Hưng cũng sẽ xây dựng “Hai thành phố trí tuệ” sát biên giới với Quảng Ninh. Năm 2023, chúng tôi sẽ xây dựng các cơ sở kiểm dịch động vật, thực vật, động vật thủy sinh, thủy hải sản tại cửa khẩu. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với TP. Móng Cái xây dựng Phòng Kiểm nghiệm tại Km3+4”, ông Hoàng Vệ thông tin.

HAI BÊN CẦN CÓ SỰ THỐNG NHẤT TRONG NHIỀU VẤN ĐỀ
Ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây, đến từ Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng cho biết trong năm 2023, Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn.

“Ngoài ra, công ty còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, ký hợp đồng mua cá basa, cá hố, và các loại hải sản khác. Chúng tôi rất mong kết nối với các vị đối tác tham dự online hoặc trực tiếp ở diễn đàn", ông Tô Vạn Quang nói.

Điểm cầu phía TP Đông Hưng, Trung Quốc.

Điểm cầu phía TP Đông Hưng, Trung Quốc.

Thông tin về thương mại sản phẩm sắn giữa Việt Nam - Trung Quốc, ông Nghiêm Minh Tiến- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam, cho hay hàng năm Việt Nam xuất khẩu hơn 3 triệu tấn mặt hàng tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc, trong đó 60% xuất khẩu theo tiểu ngạch.

Cho rằng việc xuất khẩu tiểu ngạch đối với mặt hàng sắn sẽ vẫn còn tiếp tục trong nhiều năm nữa, ông Tiến kiến nghị chính sách biên mậu giữa Việt Nam và Trung Quốc cần được ổn định. Nếu có thay đổi cùng cần thời gian điều chỉnh hợp lý để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị, tránh việc thay đổi đột ngột gây tổn thất lớn tới việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp”.

"Đề nghị Hải quan 2 nước cần có sự thống nhất trong quy định về trọng tải phương tiện, phương thức giao nhận, tránh để tăng chi phí bán hàng của các bên. Mẫu mã bao bì, thông tin sản phẩm cần được thống nhất theo thông lệ quốc tế hoặc theo quy định của nước sở tại, tránh mỗi địa phương, mỗi cửa khẩu có quy định, thông tin khác nhau dẫn đến khó khăn trong tổ chức sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam".

Ông Nghiêm Minh Tiến- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nêu vấn đề, vừa qua, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đã được đăng kí trực tiếp với cơ quan hải quan Trung Quốc mà không đăng ký qua cơ quan chức năng Việt Nam. Thế nên khi hải quan Trung Quốc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm tra lại các hồ sơ này, Bộ không nắm được địa chỉ các doanh nghiệp đó ở đâu. Đó chính là một kẽ hở dẫn đến việc tiến độ hồ sơ bị chậm lại.

Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản chế biến sâu sang Trung Quốc cần cùng một lúc gửi 2 hồ sơ tới các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng phía bạn. Các cơ quan chức năng 2 nước cũng cần phối hợp, tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về thủ tục hồ sơ cho các doanh nghiệp.

Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo TP. Móng Cái phối hợp với các đơn vị bên phía Quảng Tây (Trung Quốc) để tổ chức một Diễn đàn xúc tiến thương mại ở TP. Đông Hưng trong thời gian sớm nhất.

Thứ trưởng đề nghị các hiệp hội ngành hàng có nhu cầu xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Móng Cái cần tập hợp lại các vướng mắc và gửi về Cục Chất lượng, Chế biến và Thị trường nông sản để Bộ làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây trong thời gian tới.

Mặt khác, cần sớm nghiên cứu đề xuất thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp nông sản Việt Nam - Trung Quốc, là thành viên của Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm kết nối, thông tin về thị trường nông sản.

Nguồn: TBKTVN