Áp lực từ lạm phát và thách thức trong tăng trưởng

Thách thức với tăng trưởng

Thứ bậc về tổng GDP thấp khá xa so với quy mô về dân số (ở Đông Nam Á là 6 so với 3, ở châu Á là thứ 16 so với thứ 8, trên thế giới là thứ 42 so với thứ 14). Do vậy, GDP bình quân đầu người của Việt Nam có thứ bậc còn thấp hơn nữa so với dân số, so với tổng GDP (ở Đông Nam Á là thứ 6, ở châu Á là 28, trên thế giới là 84 - trong các nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh).

GDP bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp xa so với mức trung bình của thế giới (năm 2023 là 4.284 USD so với mức trên 13.000 USD). Mức chênh lệch GDP bình quân đầu người giữa một số nước với Việt Nam vẫn tăng lên.

Từ các góc nhìn trên, cảnh báo về nguy cơ từ cách đây 20 năm là “tụt hậu xa hơn” và trong những năm gần đây là “chưa giàu đã già” (khi cơ cấu dân số vàng qua nhanh, cơ cấu dân số già tăng nhanh) vẫn hiện hữu.

Thách thức tăng trưởng còn thể hiện khi so sánh tốc độ tăng trong 3 năm qua và yêu cầu trong 2 năm tới so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tốc độ tăng theo mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025 là 6,5-7%/năm, hay năm 2025 so với năm 2020 tăng 37-40,26%. Năm 2021 đã tăng 2,56%, năm 2022 tăng 8,12%, năm 2023 tăng 5,05%, năm 2023 so với năm 2020 tăng 16,49% - bình quân 3 năm tăng 5%/năm.

Để thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm, thì tốc độ tăng trong thời gian còn lại (2024, 2025) phải tăng 17,61-20,41%, hay phải tăng 8,45-9,73%/năm. Mục tiêu năm 2024 tăng 6-6,5%, nếu thực hiện được thì 4 năm qua tăng 23,48-24,01% và năm 2025 phải tăng 10,95-13,1%. Đây là tốc độ tăng mà Việt Nam chưa bao giờ đạt được từ trước đến nay.

Thách thức tăng trưởng còn ở các yếu tố tác động. Theo đó, tăng trưởng GDP quý I/2024 tuy đạt được kết quả tích cực về nhiều mặt, nhưng tổng cầu trong nước còn yếu khi tăng chậm hơn sản xuất GDP. Tăng trưởng tín dụng còn thấp, nợ xấu tăng, tiếp cận vốn khó khăn. Đầu tư, nhất là đầu tư ngoài nhà nước tăng chậm nhất trong 3 nguồn và có một phần không nhỏ bị “chôn” vào tiền ảo, vàng, bất động sản

Áp lực lạm phát

Xét theo thời gian, CPI bình quân các kỳ của 4 tháng đầu năm 2024 nhìn chung thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (kỳ 1 tháng là 3,27% so với 4,89%, kỳ 2 tháng là 3,67% so với 4%, kỳ 3 tháng là 3,97% so với 4,18%), trừ kỳ 4 tháng (3,93% so với 2,81%) và 5 tháng (4,03% so với 2,43%). Không ít người cho rằng, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu không còn áp lực lớn và năm 2024 là năm thứ 11 được kiểm soát theo mục tiêu.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều thách thức đối với việc thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Theo đó, tổng cầu trong nước đang mạnh lên so với trước cả về đầu tư, tiêu dùng cuối cùng. Đầu tư công sẽ tăng tốc theo thông lệ nhiều năm qua, khi nhiều dự án, nhất là về hạ tầng, đặc biệt là giao thông - vận tải được khẩn trương thực hiện. Đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước vào lĩnh vực công nghệ cao tăng.

Về chi phí đẩy, có một số yếu tố cụ thể tác động. Giá nhập khẩu tính bằng USD của nhiều mặt hàng sẽ không còn giảm sâu như năm 2023 hoặc còn giảm nhẹ như các tháng qua, mà tăng lên trong cuối năm, khi lãi suất cơ bản dần giảm. Khi đó, giá nhập khẩu tính bằng USD sẽ tăng, giá USD ở trong nước tăng làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND sẽ tăng “kép”.

Lãi suất cho vay bằng USD (nếu tính cả tốc độ tăng tỷ giá VND/USD) cao so với lãi suất cho vay bằng VND, gây bất lợi cho người vay bằng USD. Giá vàng đang diễn biến lạ lùng.

Về tiền tệ, tài khóa và sự chuyển động của dòng tiền cũng xuất hiện một số vấn đề đáng quan tâm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ cao trở lại theo định hướng cả năm, nhưng năm nay sẽ khác (năm trước tăng mạnh vào mấy ngày cuối năm và giảm trong 2 tháng đầu năm sau). Một lượng tiền không nhỏ hiện bị “chôn” vào các kênh không trực tiếp sản xuất (tiền ảo, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…) sẽ chuyển sang kênh tiêu dùng gây sức ép lên lạm phát...

Nguồn: Báo Đầu tư