Châu Âu tung ra nhiều lựa chọn giá rẻ để tồn tại qua "mùa đông xe điện"

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang lên kế hoạch ra mắt hàng chục mẫu xe điện giá cả phải chăng vào năm tới để chuẩn bị cho "mùa đông xe điện", vì các mục tiêu phát thải carbon khắt khe mới của EU và sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc. Trước thềm Triển lãm ô tô Paris diễn ra vào tuần này, các nhà sản xuất lớn của châu Âu, vốn cũng đang chịu ảnh hưởng do nhu cầu giảm, đang tập trung vào việc giành lại thị phần đã mất bằng các loại xe mới.

"Chúng tôi ở đây để chiến đấu", Giám đốc Điều hành Renault, ông Luca de Meo, cho biết vào đầu tháng này khi công bố dự án tái chế pin và có kế hoạch hỗ trợ hoạt động kinh doanh xe điện của công ty. "Chúng tôi gặp phải thách thức ở khắp mọi nơi. Tuy hoàn cảnh không dễ dàng nhưng chúng tôi thấy có rất nhiều tiềm năng", ông cho biết thêm.

Renault là hãng sản xuất ô tô lớn duy nhất của châu Âu gần đây không đưa ra cảnh báo lợi nhuận sụt giảm. Volkswagen, Stellantis, BMW và Mercedes-Benz đều đã cắt giảm dự báo thu nhập vì đa dạng các vấn đề, từ cạnh tranh gay gắt đến nhu cầu yếu của châu Âu và hàng tồn kho tăng ở Mỹ. Áp lực lên ngành công nghiệp sẽ lại tăng lên vào năm sau khi các mục tiêu phát thải mới của EU có hiệu lực, yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải cắt giảm lượng khí thải carbon từ xe ô tô bằng cách tăng tỷ lệ xe điện và xe hybrid nếu không phải đối mặt với khoản tiền phạt lớn. 

Các Giám đốc Điều hành cho biết việc đáp ứng các mục tiêu phát thải đã trở nên khó khăn hơn do tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại gần đây: người tiêu dùng trở nên nhạy cảm hơn về chi phí và trợ cấp đã bị cắt giảm ở các thị trường lớn như Đức.

Một số nhà sản xuất ô tô, ngoại trừ Stellantis, đã kêu gọi hạ thấp hoặc trì hoãn các mục tiêu để tránh bị phạt, mức phạt có thể lên tới tổng cộng 51 tỉ euro vào năm 2030 theo công ty tư vấn AlixPartners. 

 

Phát biểu trước một ủy ban quốc hội Ý, Tổng giám đốc Điều hành Stellantis, ông Carlos Tavares, cho biết việc chuyển sang xe điện theo quy định yêu cầu sẽ làm tăng đáng kể chi phí cho các nhà sản xuất ô tô.

Ông nói: “Trong một hệ thống không thể hấp thụ thêm giá vì người tiêu dùng không muốn trả thêm, chi phí của chúng tôi đang đội thêm 40%."

Nhà phân tích Henning Cosman của Barclays ước tính các nhà sản xuất ô tô toàn cầu sẽ tung ra hơn 100 mẫu xe điện trong năm nay tại châu Âu và khoảng 70 mẫu vào năm 2025, nhưng ông nói thêm rằng mức giá rẻ hơn nhằm kích cầu mua hàng có thể gây ra "mùa đông xe điện". "Người tiêu dùng ngày nay có thể dễ dàng cảm thấy việc mua một chiếc xe điện mới là sai lầm, vì dường như có những lựa chọn tốt hơn ngoài kia khi xét đến công nghệ, giá thành và phạm vi hoạt động", ông nói.

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu, biết rằng họ sẽ phải chịu áp lực phải bán những mẫu xe rẻ hơn vào năm 2025, đã tập trung vào phân khúc thị trường đắt tiền hơn trong năm nay. Điều đó khiến họ khó có thể cạnh tranh với các hãng xe như BYD và Xpeng của Trung Quốc, có giá 20.000 euro cho một số mẫu xe, chỉ bằng khoảng một nửa giá trung bình của một chiếc xe điện ở châu Âu theo tổ chức phi chính phủ Transport & Environment. 

Vốn dĩ EV đã mang lại ít lợi nhuận hơn cho các nhà sản xuất ô tô, chưa kể các đợt giảm giá mới vào năm tới. Theo Barclays, trên toàn ngành, biên lợi nhuận gộp thấp hơn khoảng 15 điểm phần trăm so với các mẫu xe động cơ đốt trong.

Một số mẫu xe rẻ hơn sẽ được trưng bày tại triển lãm ô tô, bao gồm một chiếc xe có giá dưới 20.000 euro do Leapmotor, đối tác Trung Quốc của Stellantis, sản xuất.

Renault hiện đã nhận đơn đặt hàng cho mẫu xe điện R5, với mức giá khoảng 25.000 euro. Trong khi đó, Citroën, một thương hiệu khác của Stellantis, sẽ giới thiệu các mẫu xe bao gồm SUV nhỏ gọn C3 Aircross, mặc dù chỉ có phiên bản không chạy điện có giá khoảng 20.000 euro.

 

Theo nghiên cứu do Renault biên soạn, các nhà sản xuất ô tô EU sẽ cần 20-22% thị phần châu Âu để tuân thủ các mục tiêu phát thải. Nhưng hiện tại, họ đang bị kẹt ở mức dưới 15%.

Các nhà phân tích cho biết, các mục tiêu có thể đạt được nếu các nhà sản xuất ô tô mua tín dụng khí thải từ các nhóm đối thủ bán xe sạch hơn. Nhưng chi phí thực hiện điều này đối với những công ty như Volkswagen và Ford, những công ty chậm tiến độ nhất trong mục tiêu, có khả năng sẽ kéo lợi nhuận của họ xuống thấp hơn nữa.

Trước thềm triển lãm ô tô, ông Luc Chatel, người đứng đầu hiệp hội vận động hành lang ô tô Pháp PFA, đã chia sẻ với đài phát thanh RTL rằng “các nhà sản xuất và toàn bộ ngành công nghiệp đang đầu tư hàng tỉ euro” để chuyển sang xe điện. Nhưng ông đã thêm một cảnh báo về mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp. "Người tiêu dùng không còn tuân thủ nữa. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất chắc chắn sẽ phải trả tiền phạt của châu Âu vào năm tới."

Nguồn: Nhipcaudautu