Thị trường việc làm nguội lạnh sẽ đốc thúc ECB hạ lãi suất nhanh hơn

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone vẫn ở mức thấp kỷ lục sau cú sốc lạm phát và kinh tế khó khăn, nhưng các quan chức ECB đã nhận ra những dấu hiệu thuyết phục họ tiến hành cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa trong tuần này.

Mặc dù không thực hiện nhiệm vụ kép (ổn định giá cả và việc làm) như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng một cú sốc đối với thị trường việc làm có thể tác động đáng kể đến triển vọng lạm phát của ECB.

Động thái cắt giảm nhân sự của các doanh nghiệp lớn như BASF và Thyssenkrupp khiến một số nhà hoạch định chính sách lo ngại sự suy thoái đột ngột có thể làm rung chuyển thêm đối với một khu vực đang bên bờ vực suy thoái như Eurozone.

"Tôi nghĩ họ (các quan chức ECB - BTV) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 10 và sẽ cắt giảm thêm nữa - mặc dù một số quan chức có quan điểm diều hâu cho rằng không có việc cắt giảm tự động trong chu kỳ nới lỏng", ông Soeren Radde, nhà kinh tế tại công ty quản lý tài sản Point72, dự đoán.

"Họ đang đi đúng hướng và họ cần phải như vậy. Mối quan tâm chính thực sự là thị trường lao động", ông Radde nói thêm.

Chỉ đến tháng 7 vừa qua, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, mới cho rằng sức mạnh của thị trường việc làm châu Âu là lý do khiến ECB có thể “dành thời gian để thu thập thông tin mới” khi thiết lập chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, thời gian thu thập thông tin đó dường như đã hết. Dữ liệu hiện tại cho thấy thị trường "hạ nhiệt" nhẹ nhàng chứ không phải là suy thoái nhanh chóng. Tăng trưởng việc làm của Eurozone đã chậm lại chỉ còn 0,2% trong quý II/2024 và tỷ lệ vị trí việc làm trống trong quý đã giảm xuống còn 2,6%, từ mức đỉnh điểm 3%.

Kết quả thăm dò hàng tháng các nhà quản lý mua hàng do S&P Global thực hiện cũng cho thấy bức tranh thị trường lao động châu Âu ngày càng xấu đi.

"Số lượng vị trí việc làm trống giảm và tốc độ tuyển dụng chậm lại là những tín hiệu cần được chú ý - đây rõ ràng là động lực quan trọng khiến Fed lựa chọn mức giảm 50 điểm cơ bản (lãi suất - BTV)", bà Michala Marcussen, nhà kinh tế trưởng của Societe Generale, đề cập đến đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng trước.

Vốn là một nhà kinh tế học lao động, ông Mario Centeno, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha, nhìn nhận rằng những dấu hiệu ban đầu đã cho thấy sự suy yếu ở Eurozone, với "một số dấu hiệu cảnh báo cấp bách hơn những dấu hiệu khác, nhưng tất cả đều hướng đến khả năng đảo ngược thị trường lao động".

Vấn đề trên cũng được các quan chức ECB có quan điểm diều hâu thừa nhận. Bà Isabel Schnabel, thành viên Ban điều hành ECB, cho rằng nhu cầu tuyển dụng nhân sự ít hơn khiến lạm phát có khả năng giảm bền vững xuống mục tiêu 2% nhiều hơn.

Còn ông Martins Kazaks, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Latvia, đã cảnh báo về rủi ro của một điểm tới hạn, khi một số công ty có thể bắt đầu từ bỏ việc giữ chân nhân sự do nền kinh tế cho thấy những dấu hiệu đáng thất vọng.

"Sau đó có thể xuất hiện một số hiệu ứng hòn tuyết lăn", ông Kazaks cảnh báo.

Sản xuất chế tạo là một vấn đề chính do đang bị kìm hãm bởi nhu cầu suy yếu của Trung Quốc và những bất lợi cạnh tranh nội khối. Một số doanh nghiệp châu Âu dường như đang mất niềm tin vào sự phục hồi kinh tế. Điển hình là Volkswagen, công ty này đang cân nhắc đóng cửa các nhà máy ở Đức lần đầu tiên. Các công ty khác trong ngành công nghiệp ô tô cũng liên tục đưa ra kế hoạch cắt giảm, trong đó có Continental AG.

Theo dự đoán của các nhà kinh tế tại Goldman Sachs, tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone sẽ tăng lên 6,7% trong vài quý tới. Họ cũng cảnh báo một kết quả tồi tệ hơn có thể xảy ra nếu nền kinh tế khu vực hoạt động kém hiệu quả, điều này sẽ củng cố cho dự báo của họ rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất tại các cuộc họp chính sách bắt đầu từ tuần này và cho đến khi lãi suất tiền gửi đạt 2%, từ mức 3,5% như hiện nay.

"Nếu thị trường việc làm tiếp tục hạ nhiệt, người lao động có thể chấp nhận mức tăng lương khiêm tốn hơn trong các cuộc đàm phán lại tiền lương sắp tới để đổi lấy an ninh việc làm", các nhà kinh tế tại Barclays nhìn nhận.

Theo tính toán của ECB, họ sẽ đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững trong nửa cuối năm 2025 trên cơ sở tiền lương tăng chậm lại. Nhưng họ cũng không muốn thị trường lao động và mức tăng lương bị điều chỉnh quá sâu.

Quan điểm của thành viên Ban điều hành ECB, ông Philip Lane, là thị trường việc làm mạnh hơn sẽ "làm tăng khả năng đạt được mục tiêu lạm phát thay vì luôn dưới mục tiêu" và "mức tăng lương sẽ nhất quán hơn với mục tiêu trong những năm tới" so với thời kỳ trước Covid-19.

Trong khi đó, ông Karsten Junius, nhà kinh tế tại ngân hàng Thụy Sĩ J. Safra Sarasin đánh giá: "Thị trường lao động của Eurozone vẫn có vẻ khá kiên cường, nhưng có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự suy yếu".

"ECB cũng nên phản ứng với điều đó và đảm bảo rằng không có sự suy thoái thực sự nào cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể. Điều này cũng cho thấy việc cắt giảm lãi suất sẽ được thực hiện sớm", ông Junius khuyến nghị.

Nguồn: Báo Đầu tư