Indonesia yêu cầu Google và Apple chặn ứng dụng thương mại điện tử Teme

Chính phủ Indonesia mới đây đã yêu cầu Alphabet, công ty mẹ của Google và Apple chặn ứng dụng của Temu tại các cửa hàng ứng dụng tại quốc gia này. Temu là công ty thương mại điện tử thời trang nhanh của Trung Quốc.

Trước đó, theo công ty nghiên cứu Momentum Work Temu đã có mặt tại Việt Nam. Cách đây hơn một năm, Temu bắt đầu thâm nhập hai thị trường đầu tiên của Đông Nam Á là Philippines và Malaysia.

Tháng 7 năm nay, sàn thương mại điện tử này cho biết đã bắt đầu giao hàng tại Thái Lan. Việt Nam và Brunei là hai thị trường mới nhất Temu mở rộng quy mô.

Ngày 11/10, Bộ trưởng truyền thông Indonesia, ông Budi Arie Setiadi nói rằng động thái chặn Temu nhằm mục đích bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của quốc gia khỏi các sản phẩm giá rẻ do PDD Holdings (công ty mẹ của Temu) cung cấp.

Mặc dù, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa tìm thấy bất kỳ giao dịch nào của người dân Indonesia trên nền tảng này.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của Temu đã khiến một số quốc gia phải xem xét kỹ lưỡng mô hình kinh doanh chi phí thấp của công ty Trung Quốc.
Bản chất mô hình kinh doanh của Temu là kết nối người tiêu dùng trực tiếp với các nhà máy ở Trung Quốc để giảm giá đáng kể. Với một số quốc gia đây được coi là "sự cạnh tranh không lành mạnh".

Bộ trưởng truyền thông Indonesia chia sẻ: "Chúng tôi không ở đây để bảo vệ thương mại điện tử, mà chúng tôi bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi có hàng triệu doanh nghiệp cần phải bảo vệ".

Indonesia cho biết cũng sẽ chặn bất kỳ khoản đầu tư nào của Temu vào thương mại điện tử tại quốc gia này. Chính phủ cũng đang có kế hoạch yêu cầu chặn ứng dụng tương tự đối với một ứng dụng mua sắm khác của Trung Quốc là Shein.

Hiện tại Temu, Shein, Apple và Google đều chưa đưa ra thông báo chính thức về vấn đề này. Temu vẫn có thể được tải xuống tại cửa hàng ứng dụng ở Indonesia.

Trước đó, Indonesia cũng đã buộc nền tảng TikTok đóng cửa dịch vụ thương mại điện tử tại quốc gia này vào năm ngoái để bảo vệ dữ liệu của người dùng và các doanh nghiệp địa phương.

Vài tháng sau, TikTok đã đồng ý mua phần lớn cổ phần của tập đoàn công nghệ Indonesia - GoTo's, do đó có thể hoạt động trở lại để tiếp tục phát triển ở thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings, và công ty tư vấn Bain & Co., ngành thương mại điện tử của Indonesia dự kiến ​​sẽ tăng trưởng từ mức 62 tỷ USD của năm 2023 lên khoảng 160 tỷ USD vào năm 2030.

Nguồn: Nhipcaudautu