Chính phủ đồng ý về nguyên tắc phương án giảm thuế VAT về 8%
Cuối tuần trước, Bộ Tài chính đã có văn bản số 3610 trình Thủ tướng Chính phủ về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2023. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế Giá trị gia tăng – VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%, tức là xuống còn 8%.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh, bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%. Đây là bước đột phá so với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, khi chỉ thực hiện giảm thuế VAT đối với một số hàng hóa, dịch vụ và trong một số lĩnh vực, nhất là loại trừ bất động sản.
Chính phủ đồng ý về nguyên tắc phương án giảm thuế VAT về 8% (Ảnh minh họa: KT)
"Tách ra giữa 10 và 8% rất là khó, hai bất động sản trước không được nhưng hiện nay đang gặp khó khăn. Thời điểm này, muốn giảm thuế suất từ 10 xuống 8% phải trình qua Ủy ban thường vụ Quốc hội và năm ngoái chúng ta giảm từ mùng 1/2, nhưng năm nay sớm thì chỉ khoảng độ hơn nửa năm, nên tạo ra một nguồn lực cho doanh nghiệp thuận lợi hơn, thì nên áp dụng cho tất cả là 10% xuống 8%. Gói giải pháp như vậy tác động rất tốt, và tất cả dù doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp làm ra sản phẩm hoặc người tiêu dùng đều có lợi. Chúng tôi kỳ vọng Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thông qua giải pháp này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn, phục hồi xuất kinh doanh và phát triển", bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nói.
Cộng đồng doanh nghiệp khá phấn khởi khi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến đồng ý về nguyên tắc để Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, nên nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương mức giảm khoảng 35.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đảm bảo đủ nguồn lực cho các chính sách hỗ trợ tài khóa luôn là mục tiêu quan trọng của Bộ Tài chính, như khẳng định của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc từ đầu năm nay: "Chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực quyết liệt để thực hiện thành công dự toán ngân sách, tiết kiệm trong chi ngân sách, tăng giải ngân đầu tư công và tiết kiệm trong quá trình sử dụng tài sản công, cũng như tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thoát về thuế để đảm bảo cho chính sách tài khóa được thực hiện một cách hợp lý và bền vững, minh bạch".
Đồng ý về nguyên tắc đối với đề xuất của Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT trong năm nay, theo Công văn số 2614 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã giao Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp và bộ, cơ quan liên quan để xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết và trình cấp có thẩm quyền đảm bảo đúng quy trình, trình tự, thủ tục. Trong đó, nêu rõ căn cứ, cơ sở, sự cần thiết để đề xuất xây dựng, ban hành dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/4 tới.
- Tại công văn 2614, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ động thực hiện việc xây dựng văn bản quy định về giảm các khoản thu phí, lệ phí theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với Thông tư của Bộ Tài chính.
- Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Kết quả thực hiện đã cho thấy tổng gói hỗ trợ giảm thuế GTGT năm 2022 đạt khoảng 44.000 tỷ đồng và việc giảm thuế GTGT đã kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế. Quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan thuế (nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khi xác định đối tượng không được giảm thuế cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành liên quan)./.
Nguồn: Báo đầu tư