Quay lại

Dịch vụ và xuất, nhập khẩu dịch vụ: Kết quả và vấn đề đặt ra

Trong 105 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có số liệu so sánh, có tới 78 nước và vùng lãnh thổ có tỷ trọng dịch vụ/GDP chiếm trên 50%, trong đó hầu hết là những nước phát triển, thu nhập cao. Điều đó chứng tỏ vai trò của dịch vụ đối với sự phát triển của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam rất quan trọng.

NHÓM NGÀNH DỊCH VỤ PHÁT TRIỂN HƠN, NHƯNG TỶ TRỌNG CÒN THẤP 
Ngày nay, với nhận thức mới về vai trò của dịch vụ, nhóm ngành dịch vụ của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhóm ngành dịch vụ góp phần giải quyết công ăn việc làm khi tỷ trọng lao động của nhóm ngành dịch vụ trong tổng số lao động đã tăng lên so với trước đây (biểu đồ 1).

Tỷ trọng lao động nhóm ngành dịch vụ ngày càng có nhịp độ tăng nhanh hơn, bắt đầu từ năm 2015 đã chiếm 1/3 tổng số lao động và năm 2019 tới nay nhóm ngành này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 3 nhóm ngành. Đây không chỉ là vấn đề công ăn việc làm, mà còn góp phần nâng cao tính năng động của nền kinh tế và góp phần hình thành, phát triển thị trường lao động, tăng tính thị trường của kinh tế Việt Nam; không chỉ đối với kinh tế thực, mà cả kinh tế dịch vụ, không chỉ kinh tế mà cả một số lĩnh vực xã hội khác.

Trong các ngành cụ thể của nhóm ngành dịch vụ,  ngành có số lao động đông nhất là thương mại (bán buôn, bán lẻ,…), tiếp đến là dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục - đào tạo, vận tải kho bãi, hoạt động của Đảng, tổ chức xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc, hoạt động dịch vụ khác, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hoạt động hành chính và dịch vụ  hỗ trợ, hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ, kinh doanh bất động sản, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động làm thuê, dịch vụ tự tiêu dùng, hoạt động của các tổ chức, cơ quan quốc tế.

Tỷ trọng vốn đầu tư cho nhóm ngành dịch vụ có xu hướng cao lên qua các năm (biểu đồ 2).

Từ năm 2015, tỷ trọng vốn đầu tư cho nhóm ngành dịch vụ đã vượt lên lớn nhất trong 3 nhóm ngành và từ năm 2018, tỷ trọng vốn vào nhóm ngành này lớn hơn tổng của cả 2 nhóm ngành còn lại.

Trong nhóm ngành dịch vụ, lượng vốn lớn nhất là Hoạt động dịch vụ khác, tiếp đến là vận tải, kho bãi, thương mại, kinh doanh bất động sản,…

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khu vực doanh nghiệp, năm 2020, nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao hơn 2 nhóm ngành còn lại về số doanh nghiệp (66,7%), vốn sản xuất kinh doanh (66%), giá trị TSCĐ và đầu tư tài chính dài hạn (53,7%), đồng thời chiếm tỷ trọng cao về các chỉ tiêu còn lại (doanh thu thuần: 49,3%, lợi nhuận trước thuế: 41,8%, thu nhập của người lao động: 38,9% và số lao động: 37,1%) .

Tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ trong GDP đã có xu hướng cao lên, đạt đỉnh vào 5 năm trước đại dịch (năm 2015: 42,19%, 2016: 42,85%, 2017: 42,58%, 2018: 42,17%. 2019: 42,47%), chỉ bị giảm xuống vào 2 năm đại dịch xảy ra và bùng phát (năm 2019: 41,83%, 2021: 41,21%), trong đó có nhiều ngành cụ thể còn giảm nhiều hơn, như vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống,… Tỷ trọng dịch vụ trong GDP đã hồi phục trở lại vào năm 2022 (đạt 41,33%), trong đó có một số ngành cụ thể phục hồi nhanh hơn, như thương mại, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú ăn uống, nghệ thuật vui chơi giải trí,…

Tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ trong GDP tăng chủ yếu do tốc độ tăng GDP nhóm ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng chung. Cụ thể, các năm  2015, 2016, 2017, 2019 nhóm ngành dịch vụ tăng tương ứng: 7,05%, 7,46%, 7,12%, 8,08%. Khi đại dịch lan tới và bùng phát, nhóm ngành này đã tăng chậm lại ở mức thấp nhất trong 3 nhóm ngành (năm 2020: 2,01%, 2021: 1,57%). Đến năm 2022, khi đại dịch đã được kiểm soát, nhóm ngành dịch vụ tăng cao nhất trong 3 nhóm ngành (đạt 9,99%), trong đó những ngành cụ thể tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nhóm ngành là: dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động hành chính, dịch vụ hỗ trợ, hoạt động dịch vụ khác, dịch vụ vui chơi giải trí, vận tải kho bãi,…

Dịch vụ và xuất, nhập khẩu dịch vụ: Kết quả và vấn đề đặt ra - Ảnh 1

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng nhóm ngành dịch vụ cũng còn những hạn chế và đứng trước không ít thách thức. Hạn chế rõ nhất là tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ trong GDP của Việt Nam thuộc loại thấp so với khu vực, châu Á và thế giới.

Trong khu vực Đông Nam Á, năm 2020, tỷ trọng dịch vụ trong GDP của Việt Nam thấp thứ 7 trong 11 nước, Việt Nam chỉ đứng ngang với Myanmar, đứng trên Brunei (41,5%), Lào (40,7%), Campuchia (36,6%) (biểu đồ 3).

Ở Châu Á, tỷ trọng dịch vụ trong GDP của Việt Nam đứng thứ 27/35 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh ngoài 6 nước Đông Nam Á, còn thấp hơn Trung Quốc, Hồng Kông (TQ), Nhật Bản, Hàn Quốc, Arcmenia, Azerbaijan, Jordan, Kawait, Libani, Oman, Palestin, Ả Rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Afganistan, Banglades, Ấn Độ, Iran, Nepan, Pakistan, Xrilanca.

Trên thế giới, tỷ trọng dịch vụ/GDP của Việt Nam đứng thứ 94/105 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh, ngoài 27 nước châu Á, còn có hầu hết các nước châu Âu, châu Úc, châu Mỹ và nhiều nước châu Phi.

Tỷ trọng dịch vụ/GDP của Việt Nam thấp so với nhiều nước do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do: (i) Việt Nam chuyển sang hoặc thực hiện cơ chế thị trường chậm hơn nhiều nước; (ii) tính chuyên nghiệp của dịch vụ đối với nhiều hoạt động còn thấp, còn dựa vào tự sản tự tiêu, còn do các cơ quan, đơn vị kiêm nhiệm nhiều hoạt động dịch vụ (đội xe, làm vệ sinh, bảo vệ,…); (iii) tỷ lệ lao động phi chính thức của nhóm ngành dịch vụ tuy có giảm xuống (năm 2017 là 64,5%, năm 2018 còn 62,9%, năm 2019 còn 61,7%), nhưng đều lớn hơn ở các nhóm ngành còn lại. Lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội bắt buộc, công việc không ổn định, thu nhập cao thấp rất khác nhau và không ổn định, khó thống kê chính xác…

Nguồn: TBKTVN