Dự kiến năm 2025 tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7%

Tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP, Chính phủ dự kiến trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2025 tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch năm 2025 là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp sáng nay (9/10).

Phấn đấu hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu

Trình bày tóm tắt báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt.

Còn chỉ tiêu GDP bình quân đầu người xấp xỉ đạt (4.647 USD so với mục tiêu 4.700 - 4.730 USD) do biến động tỷ giá. Tuy nhiên, nếu tính theo VND, tại thời điểm xây dựng kế hoạch năm 2024, mục tiêu GDP bình quân đầu người là khoảng 112 triệu đồng; ước thực hiện năm 2024 là khoảng 123 triệu đồng, vượt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh kết quả, Bộ trưởng cũng đề cập hạn chế, như ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỷ giá. Tín dụng tăng trưởng chưa cao; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; vừa phải đối mặt với áp lực gia tăng về điều tra chống bán phá giá, gian lận xuất xứ; vừa phải đáp ứng nhanh hơn, tốt hơn các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh… Sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI.

Thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh rườm rà, chưa triệt để….

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7%, hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới; tập trung xử lý, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế vướng mắc kéo dài; thành lập Tổ công tác để khảo sát, nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại các tỉnh, thành phố và các dự án vướng mắc, tồn đọng khác. Khẩn trương xử lý các kiến nghị về giá đất trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai, cũng là những giải pháp được Bộ trưởng đề cập.

Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới

Trong dự kiến kế hoạch năm 2025, Bộ trưởng cho biết có 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến hết năm 2023, GDP của Việt Nam đạt 430 tỷ USD, xếp thứ 34 thế giới).

GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,5%...

Chính phủ xác định, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Một số nhiệm vụ, giải pháp khác cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập, đó là tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức, theo dõi, thi hành pháp luật.

Tổ chức triển khai tích cực các dự án luật (sửa đổi) và các dự án một luật sửa nhiều luật về đầu tư công, đầu tư, quy hoạch, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, dự trữ quốc gia, kế toán, kiểm toán độc lập, chứng khoán, quản lý thuế…

2025 cũng là năm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tập trung vào Chính phủ số, xã hội số, công dân số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tận dung tối đa nguyên liệu vì đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành khác...

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đất đai; phát huy hiệu quả vai trò của các tổ công tác, ban chỉ đạo để rà soát, tổng hợp các dự án, đất đai đang gặp vướng mắc, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý.

Nhiệm vụ tiếp theo được Bộ trưởng nêu là tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025; hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Nguồn: TBKTVN