Hạ viện Mỹ thông qua dự luật tiền điện tử, bất chấp cảnh báo rủi ro

Luật công nghệ và đổi mới tài chính cho thế kỷ 21 (FIT 21) đã được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ ủng hộ 279 - 136 trong cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng vào ngày 22/5. Hiện chưa rõ liệu Thượng viện Mỹ có áp dụng biện pháp này hay không.

Những người ủng hộ tại Quốc hội Mỹ cho rằng dự luật FIT 21sẽ đề ra các quy định rõ ràng đối với tiền điện tử và giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành này.

Trước khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật FIT 21, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã cảnh báo rằng họ có thể sẽ phê duyệt đơn đăng ký các quỹ giao dịch trao đổi đồng Ethereum giao ngay trong một động thái thúc đẩy đáng ngạc nhiên cho ngành này.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, ông Gary Gensler, cảnh báo rằng dự luật "sẽ tạo ra những khoảng trống pháp lý mới và làm suy yếu tiền lệ hàng thập kỷ đối với hoạt động giám sát các hợp đồng đầu tư, khiến nhà đầu tư và thị trường vốn gặp rủi ro khôn lường".

Những người ủng hộ tiền điện tử và các tổ chức trong ngành này từ lâu đã coi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ là một trở ngại cho việc sử dụng rộng rãi hơn các tài sản kỹ thuật số.

Đề cập đến các vụ truy tố cấp cao, các trường hợp gian lận, phá sản và thất bại, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ vẫn cho rằng tiền điện tử cần tuân thủ các luật áp dụng cho các tài sản khác.

Trong tuyên bố hôm 22/5, ông Gensler cho biết theo dự luật, các hợp đồng đầu tư được ghi trên blockchain sẽ không còn được coi là chứng khoán, nên nhà đầu tư không được bảo vệ theo luật chứng khoán.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, dự luật cho phép các tổ chức phát hành hợp đồng đầu tư tiền điện tử tự xác nhận rằng sản phẩm của họ là một hệ thống "phi tập trung" và sau đó được coi là một loại "hàng hóa kỹ thuật số" đặc biệt nên không chịu sự giám sát của cơ quan này.

Thế nhưng, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ sẽ chỉ có 60 ngày để xem xét và phản đối việc chứng nhận sản phẩm là hàng hóa kỹ thuật số. Những tài sản mà Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ phản đối thành công sẽ được phân loại lại thành tài sản kỹ thuật số bị hạn chế và tuân theo chế độ giám sát nhẹ nhàng hơn của cơ quan này, đồng thời loại trừ nhiều biện pháp bảo vệ cốt lõi.

Chủ tịch Gary Gensler cho biết hiện có hơn 16.000 tài sản tiền điện tử đang tồn tại. Với nhân sự hạn chế và không có nguồn lực bổ sung theo dự luật, việc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ có thể xem xét và phản đối nhiều hơn một phần tài sản số đó là "điều không thể tin được". Kết quả là phần lớn thị trường có thể né được sự giám sát hạn hẹp đó của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.

Nguồn: Báo Đầu tư