Hàng không Việt Nam: Phục hồi “thần tốc” nhưng vẫn lỗ đậm
Năm 2022 chứng kiến sự phục hồi của thị trường hàng không trong nước và quốc tế. Điều đáng mừng là Việt Nam được đánh giá là thị trường hàng không có mức tăng trưởng nhanh trong khu vực và trên thế giới. Tuy đang trên đà phục hồi nhưng không đồng đều giữa các phân khúc. Trong khi vận chuyển hàng hóa phục hồi nhanh và tăng trưởng so với năm 2019 nhưng vận chuyển hành khách phục hồi chậm hơn so với trước khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2019.
Trong đó, thị trường khách nội địa phục hồi hoàn toàn ngay từ tháng 4/2022 nhờ sự bùng nổ nhu cầu di chuyển giai đoạn cao điểm hè, đưa đến mức tăng trưởng vượt thời điểm trước dịch, lên tới 40 - 42% trong các giai đoạn tháng 6-8/2022. Nhờ đó, Việt Nam ghi dấu vị trí quán quân trong danh sách 25 quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thị trường quốc tế phục hồi chậm.
VÌ ĐÂU NHIỀU DOANH NGHIỆP "HỤT CHÂN" TRƯỚC NGƯỠNG CỬA PHỤC HỒI?
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu khách, tăng 3,7 lần so với năm 2021 và bằng 69,6% so với năm 2019. Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 43,2 triệu khách, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2021 và tăng vượt 15,6% so với thời điểm trước dịch năm 2019.
Còn vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách, dù tăng mạnh 22 lần so với năm 2021 song chỉ bằng 27% so với năm 2019.
Riêng với thị trường quốc tế, cơ quan chức năng đã chủ động và tích cực nhằm khôi phục các đường bay quốc tế. Theo đó, các hãng hàng không khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục diễn ra chậm, mặc dù Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ ngày 15/3/2022, khôi phục lại chính sách miễn thị thực từ tháng 5/2022.
Bên cạnh việc tăng cường công suất, các hãng hàng không nhanh chóng đi tắt đón đầu trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không cũng như xây dựng các dòng sản phẩm mới, đa dạng, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu hành khách. Nhờ những nỗ lực vượt bậc này, các hãng bay Việt ghi nhận mức doanh thu hồi phục “thần tốc”thời gian qua.
Tuy nhiên, do những tổn thất do đại dịch gây ra cho ngành vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn, lại phát sinh thêm những khó khăn mới do gánh nặng về giá nhiên liệu tăng cao, biến động tỷ giá, hay do thị trường quốc tế phục hồi chậm, do chính sách mở cửa của các quốc gia… nên tiếp tục khiến doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các hãng vận tải hàng không “hụt chân” trước ngưỡng cửa hồi phục.
Đáng kể nhất là giá nhiên liệu bay (Jet A1) liên tục tăng vọt trong năm 2022, có thời điểm đạt mức trên 160 USD/thùng. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay đạt 130 USD/thùng, tăng khoảng 80% so với mức trung bình của năm 2021.
Trong giai đoạn trước mắt, giá Jet A1 vẫn được dự báo dao động ở mức 110-130USD/thùng, gây bất lợi lớn cho các hãng hàng không, trong bối cảnh chi phí nhiên liệu chiếm tới hơn 40% tổng chi phí khai thác.
Bên cạnh đó, tỷ giá USD tăng khoảng 9% so với VND trong năm 2022 cũng gây áp lực tài chính lớn cho các hãng bay, khi đây là đồng ngoại tệ được sử dụng phổ biến nhất để thanh toán các chi phí hoạt động như phí mua nhiên liệu, thuê mua tàu bay, dịch vụ thuê ngoài phục vụ hành khách...
Vì vậy, sự phục hồi của ngành hàng không Việt không đồng đều giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Điển hình là Vietnam Airlines, theo báo cáo tài chính năm 2022, hãng đạt doanh thu hợp nhất gần 71.000 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động vận tải gần 51.500 tỷ đồng, lớn hơn cả hai năm 2020 và 2021 cộng lại và tương đương 70% mức trước dịch bởi sức bật từ hàng không nội địa.
Tuy nhiên, trong quý 4/2022, hãng này tiếp tục báo lỗ từ công ty mẹ Pacific Airlines và công ty dịch vụ mặt đất so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung, hãng hàng không quốc gia vẫn lỗ hợp nhất khoảng 10.400 tỷ đồng trong năm 2022, đẩy lỗ lũy kế lên hơn 34.000 tỷ đồng.
Đối với VietJet Air, báo cáo tài chính cho thấy hợp nhất kết quả kinh doanh cả năm 2022, Vietjet đạt doanh thu khoảng 39.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần năm 2021.
Tuy nhiên, trong quý 4/2022, hãng vẫn lỗ hơn 2.359 tỷ đồng, đây là khoản lỗ sau thuế lớn nhất trong lịch sử của VietJet. Lũy kế cả năm 2022, VietJet ghi nhận mức lỗ hợp nhất 2.171 tỷ đồng, đảo ngược với kết quả lãi 122 tỷ năm 2021.
CHƯA PHỤC HỒI NHƯ KỲ VỌNG
Chia sẻ tại tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt” vừa qua, Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân đánh giá dù Việt Nam mở cửa giao thương từ tháng 3/2022 nhưng thực sự không đạt được các chỉ số phục hồi như kỳ vọng.
Nguyên nhân là các thị trường hàng không truyền thống đi, đến Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản đều chưa mở cửa hoặc mở rất thận trọng.
“Doanh thu từ thị trường hàng không Trung Quốc vốn chiếm khoảng 30% nhưng thị trường này hiện nay vẫn đang gần như đóng băng”, ông Quân giãi bày.
Sau những nỗ lực của các cấp, các ngành hai bên, mới đây nhất, Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2 từ ngày 15/3. Trước đó, Việt Nam không nằm trong danh sách 20 quốc gia được thí điểm cho phép các công ty đưa khách du lịch Trung Quốc theo đoàn đợt 1 từ tháng 2.
Như vậy, Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ, du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.
Chia sẻ về sự hồi phục của hãng hàng không quốc gia, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết tổng thị trường vận tải hàng không nội địa tăng khoảng 13% trước dịch nhưng sản lượng bay quốc tế năm 2022 chỉ đạt hơn 20% với những con số được cải thiện qua từng tháng.
Dẫn chứng đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ông Thành cho rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tốc độ phục hồi chậm nhất, lạc quan phải đến cuối năm 2024 mới trở về trạng thái trước dịch.
TRANH CÃI BỎ TRẦN GIÁ VÉ
Các chuyên gia cho rằng cần có các kịch bản phù hợp và sự chủ động hơn của các doanh nghiệp trong ngành. Bên cạnh đó, Chính phủ, Quốc hội cần có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời ngành hàng không, các doanh nghiệp vận tải hàng không kinh doanh có hiệu quả, sớm vượt qua khó khăn, trụ vững và phát triển.
Để ngành hàng không sớm phục hồi, một trong những vấn đề được bàn nhiều trong thời điểm hiện nay, đó là cơ chế quản lý giá dịch vụ vận tải hàng không. Theo đó, có nên tháo “vòng kim cô” để thị trường quyết định giá vé hay Nhà nước vẫn giữ nguyên quy định về giá trần vé máy bay chặng nội địa, hiện được quy định bởi Luật Hàng không dân dụng, Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT ngày 24/7/2015 của Bộ Giao thông vận tải...
Nguồn: TBKTVN