Xuất khẩu sang Trung Quốc: Thủy sản phải vượt nhiều rào cản
Tại diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
128 MÃ HÀNG ĐƯỢC CẤP PHÉP XUẤT KHẨU
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, 7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất gồm tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với tỷ lệ 24% khối lượng, 41% giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu.
Thông tin về tình hình xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2023, ông Nam cho biết sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 1, sang tháng 2 xuất khẩu thủy sản đã đạt 662 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc là 3 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam.
Từ những kết quả trên, ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất, cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước với các địa phương Trung Quốc. Đồng thời, chúng ta cũng cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết việc đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản được thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Đến thời điểm này, đã có 805 doanh nghiệp của Việt Nam đã được phía Trung Quốc cấp phép cho xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đã cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản của Việt Nam.
Đề cập về xuất khẩu thủy hải sản sống sang Trung Quốc, ông Tiệp cho hay, các cơ sở đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống cần được Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thẩm định, chứng nhận điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc. Các cơ sở nuôi, bao gói cần phải được cơ quan quản lý nông lâm thủy sản địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y và được cấp mã số. Việt Nam đang đàm phán nhằm đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. Hiện mặt hàng hàu sống đã cơ bản hoàn thành thủ tục, còn mặt hàng tôm ướp đá, sứa muối tiếp tục được đánh giá nguy cơ.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN TƯƠI SỐNG GẶP KHÓ
Ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến, cho biết đối với hầu hết thủy sản tươi sống, phía Trung Quốc chưa cho nhập khẩu chính ngạch tại Đông Hưng (Trung Quốc), mà chỉ cho nhập khẩu tại chợ Móng Cái - Đông Hưng dưới hình thức xuất khẩu cư dân biên giới.
“Hiện nay doanh nghiệp không được trực tiếp xuất khẩu theo quy định của phía Trung Quốc và cũng không được ủy thác xuất khẩu cho cá nhân là cư dân biên giới, cũng như không thể xuất hóa đơn kinh doanh điện tử cho cá nhân theo quy định của cơ quan thuế.
Như vậy, doanh nghiệp không thể làm báo cáo tài chính đối với cơ quan thuế”, ông Út nêu thực tế, đồng thời kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới để tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, doanh nghiệp không thể giải trình được.
Nguồn: TBKTVN