IMF nâng dự báo tăng trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh tăng triển vọng tăng trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 lên 4,6%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4. Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng căng thẳng địa chính trị, sự điều chỉnh của thị trường bất động sản Trung Quốc và các yếu tố khác có thể gây áp lực lên tốc độ tăng trưởng của khu vực này.

Trong báo cáo kinh tế khu vực công bố, IMF nhận định triển vọng ngắn hạn có phần khả quan hơn so với dự báo vào tháng 4, đồng thời dự đoán khu vực này sẽ đóng góp khoảng 60% vào tăng trưởng toàn cầu năm nay. IMF cho biết chuyển dịch cơ cấu sang các ngành có năng suất cao, như dịch vụ thương mại, có thể giúp duy trì tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt ở các nền kinh tế thị trường mới nổi.

IMF cũng điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của Ấn Độ lên 7%, nhờ vụ mùa bội thu và đầu tư công vào hạ tầng. Theo IMF, Ấn Độ vẫn là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN đạt 4,6% vào năm 2024 và 4,7% vào năm 2025, chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa mạnh và xuất khẩu tích cực. Ngược lại, tăng trưởng của Trung Quốc, nơi tiêu dùng tư nhân đang trì trệ, cho năm 2024 được hạ từ 5% (dự báo vào tháng 7) xuống còn 4,8%, do nhu cầu nội địa từ tháng 4 đến tháng 6 không đạt kỳ vọng.

Dự báo tăng trưởng cho năm 2025 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được nâng lên 4,4%, dựa trên kỳ vọng rằng chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ kích thích nhu cầu tư nhân, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển.

Dù dự báo có phần cải thiện, IMF cảnh báo rằng cục diện rủi ro đã xấu đi từ tháng 4. Các yếu tố như căng thẳng địa chính trị gia tăng, sự điều chỉnh của thị trường bất động sản Trung Quốc và các bất ổn kinh tế khu vực, toàn cầu là những rủi ro chủ yếu.

IMF nhận định một rủi ro cấp tính là sự leo thang của các biện pháp thuế trả đũa giữa các đối tác thương mại lớn. Trong khi các nước ASEAN-10 đã mở rộng thương mại với cả Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng tập trung vào các thị trường mới nổi.

Nếu tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục chậm lại, IMF cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn khu vực và kinh tế toàn cầu. Áp lực giảm giá từ Trung Quốc có thể làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các quốc gia có cơ cấu xuất khẩu tương tự, dẫn đến các căng thẳng thương mại.

IMF nhấn mạnh phản ứng chính sách của Trung Quốc là yếu tố then chốt. Nếu Trung Quốc tập trung kích thích sản xuất và xuất khẩu, căng thẳng thương mại có thể gia tăng. Ngược lại, hỗ trợ điều chỉnh khu vực bất động sản và khuyến khích tiêu dùng tư nhân sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nguồn Nikkei Asia Nhipcaudautu