Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III/2024

Theo ước tính ban đầu của chính phủ Mỹ được công bố ngày 30/10, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được điều chỉnh theo lạm phát đã tăng 2,8% trong quý III/2024 so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 3% trong quý II.

Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động kinh tế, đã tăng 3,7% trong quý III/2024, mức cao nhất kể từ đầu năm 2023. Sự tăng tốc này được dẫn dắt bởi mức tăng chi tiêu lớn cho nhiều mặt hàng, bao gồm: ô tô, đồ nội thất gia đình và các dịch vụ/mặt hàng giải trí.

Bức tranh kinh tế quý III của Mỹ cho thấy động lực vững chắc trong nhu cầu tiêu dùng trong nước khi Fed bắt đầu nới lỏng chương trình chính sách tiền tệ chặt chẽ nhất trong nhiều thập kỷ.

Đây cũng là số liệu GDP cuối cùng trước khi nước Mỹ bước vào bầu cử tổng thống vào ngày 5/11. Nó cũng giúp cử tri Mỹ có đánh giá về bức tranh tổng thể về hoạt động kinh tế của Mỹ so với tình hình tài chính của chính họ, vốn đã bị ảnh hưởng trong những năm gần đây bởi chi phí sinh hoạt cao.

"Gần như không có gì sai với bức tranh này", Carl Weinberg và Rubeela Farooqi, hai nhà kinh tế tại High Frequency Economics, bình luận. Họ cho rằng: "Việc bình thường hóa lãi suất ổn định ở tốc độ vừa phải là điều mà nền kinh tế Mỹ cần, không gì hơn thế nữa".

Một thước đo về xu hướng tăng trưởng cơ bản được các nhà kinh tế ưa chuộng kết hợp chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, được gọi là doanh số bán hàng cuối cùng cho người mua ở khu vực tư nhân trong nước, đã tăng 3,2% trong quý III, mức cao nhất trong năm nay.

Chi tiêu quý III của chính phủ Mỹ cũng đã tăng 5% theo năm. Đáng chú ý, chi tiêu quốc phòng đã tăng vọt với tốc độ 14,9%, mức cao nhất kể từ năm 2003. Chi tiêu của chính phủ liên bang không bao gồm quốc phòng đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 1 năm qua.

Trong khi đó, đầu tư cố định của Mỹ đã tăng 3,3% theo năm, mức chậm nhất trong một năm và bị kéo xuống bởi chi tiêu cho các công trình xây dựng. Tuy nhiên, chi tiêu của doanh nghiệp cho thiết bị đã tăng mạnh nhất kể từ quý II/2023 là do được thúc đẩy bởi lĩnh vực giao thông vận tải.

Đáng chú ý, chi tiêu cho máy tính và thiết bị ngoại vi tăng vọt 32,7% trong quý III/2024, mức cao nhất kể từ năm 2020. Điều này phản ánh đúng xu hướng bùng nổ của trí tuệ nhân tạo.

Trái lại, quý III/2024 chứng kiến đầu tư nhà ở tại Mỹ giảm 5,1% theo năm, mức giảm lớn nhất kể từ cuối năm 2022, do thị trường nhà ở gặp khó khăn dưới sức nặng của lãi suất thế chấp và giá cả tăng cao.

Các con số trên sẽ giúp Fed định hình phương án tiếp tục cắt giảm lãi suất trong các quý tới, bao gồm cả cuộc họp vào tuần tới. Chúng cũng là tin tốt cho Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, trong những ngày cuối cùng đương đầu với cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

So với cùng kỳ năm trước, GDP quý III của Mỹ đã tăng 2,7% và đồng thời duy trì mức tăng trưởng trên 2,5% trong quý thứ sáu liên tiếp. Đó là "giai đoạn tăng trưởng vững chắc dài nhất kể từ năm 2006", theo ông Bill Adams, nhà kinh tế trưởng tại Comerica Bank.

Tuy nhiên, tăng trưởng của Mỹ không được phân bổ đồng đều trong những năm gần đây.

"Số liệu GDP quý III cho thấy nền kinh tế Mỹ có vẻ mạnh mẽ, nhưng bên trong, mọi thứ kém ổn định hơn. Chi tiêu tiêu dùng, vốn là động lực tăng trưởng chính, đã được thúc đẩy một cách hạn hẹp bởi các hộ gia đình có thu nhập cao, trong khi các hộ gia đình có thu nhập thấp trở nên nhạy cảm hơn với giá cả", bà Eliza Winger, nhà kinh tế tại Bloomberg Economics, nhận xét.

Nguồn: Báo Đầu tư