Kế hoạch Đầu tư công 2025: Nguồn lực lớn, áp lực cao

Dành ưu tiên cho lĩnh vực then chốt, không để tình trạng “vốn chờ dự án

Chính phủ đã có những phương án đầu tiên về Kế hoạch Đầu tư công năm 2025 - năm cuối cùng của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Theo đó, trong báo cáo được Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trước khi Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV khai mạc, tổng nhu cầu đầu tư năm 2025 của các bộ, ngành, địa phương là gần 871.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 337.867 tỷ đồng, vốn địa phương là 533.000 tỷ đồng.

Nhu cầu đầu tư tiếp tục ở mức rất lớn. Tuy vậy, trong bối cảnh nguồn lực trong nước có hạn, sau khi tính toán, đánh giá các chỉ tiêu về tài chính - ngân sách năm 2024 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết nghị, Chính phủ dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 là 790.727 tỷ đồng, tuy chưa đáp ứng được nhu cầu, nhưng cao hơn so với con số hơn 670.000 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 315.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 475.727 tỷ đồng.

Mới chỉ là những dự kiến ban đầu, còn phải trình xin ý kiến của Quốc hội. Tuy vậy, các nguyên tắc chung về phân bổ vốn cũng đã được xác định rõ. Đó là mức bố trí vốn cho từng dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2025, bảo đảm có thể phân bổ, giao chi tiết cho dự án trước ngày 31/12/2024; chỉ thực hiện bố trí vốn cho các dự án khởi công mới sau khi đã hoàn thành thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi toàn bộ vốn ứng trước theo quy định.

Đáng chú ý là, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch Đầu tư trung hạn 2021-2025, do vậy, Chính phủ yêu cầu, trong năm 2025, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch trung hạn; đồng thời bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới trong thời gian tiếp theo.

Trong báo cáo, Chính phủ cũng đã chỉ rõ, Kế hoạch Đầu tư công năm 2025 tiếp tục có nhiều đổi mới, khắc phục tình trạng “vốn chờ dự án” và những hạn chế, tồn tại trong đầu tư công. Trong đó, sẽ tập trung đầu tư ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, bố trí vốn tập trung cho các công trình giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội…

Nguồn lực lớn, áp lực cao

Kế hoạch Đầu tư công năm 2025 do Chính phủ đệ trình còn phải đợi sự phê duyệt của Quốc hội. Nếu kế hoạch này được thông qua, thì năm 2025, áp lực giải ngân còn nặng nề hơn năm nay, bởi tổng nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước dự kiến cao hơn tới 120.000 tỷ đồng so với năm nay.

Trong khi đó, chuyện áp lực giải ngân vốn đầu tư công những năm gần đây dường như năm nào cũng có. Năm nay cũng vậy, 9 tháng, mới giải ngân chưa đạt 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều đó có nghĩa, trong tổng nguồn lực đầu tư 670.000 tỷ đồng của năm nay, vẫn còn khoảng 350.000 tỷ đồng cần được đưa vào giải ngân. Và chỉ còn vài tháng để dồn lực giải ngân, nhằm đạt mục tiêu giải ngân 95% mà Chính phủ đặt ra.

Chúng tôi cũng sẽ có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các Dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch năm 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết liệt thúc đẩy giải ngân để đạt mục tiêu đề ra.

“Chúng tôi cũng sẽ có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 chương trình mục tiêu quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, từ đó có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với năm 2025, yêu cầu được đặt ra cũng là “cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm”.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, chuyện sớm phân bổ chi tiết cho các chương trình, dự án là điều quan trọng. Ở góc độ khác, việc nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án cũng là điều kiện tiên quyết để ngay khi có vốn, dự án có thể được đưa vào thực hiện, giải ngân, không để tình trạng “vốn chờ dự án” như lâu nay.

Thực tế, công tác chuẩn bị dự án vẫn được cho là chưa tốt. “Phải xác định công tác chuẩn bị đầu tư dự án có vai trò tiên quyết. Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án giúp nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án, hạn chế vướng mắc trong quá trình thực hiện, qua đó đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định điều này.

Theo Bộ trưởng, đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất, chứ không hẳn là vấn đề “đầu tiên” - “tiền đâu”.

Hiện tại, để tháo gỡ vướng mắc cho giải ngân đầu tư công, công tác cải cách thể chế, chính sách cũng đang được nỗ lực thực hiện. Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đang tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi về thể chế, chính sách, trong đó bao gồm cả công tác chuẩn bị dự án - một trong những điểm yếu khiến giải ngân vốn đầu tư công bị chậm.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm đã đặt ra yêu cầu cấp bách về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đầu tư công. Cụ thể, cần có những cơ chế, chính sách linh hoạt, hiệu quả hơn để khuyến khích các địa phương và các đơn vị chủ động, tích cực trong việc giải ngân vốn. Bên cạnh đó, đối với các dự án chậm tiến độ, cần xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có khả năng giải ngân nhanh…

Các nỗ lực sửa đổi này chắc chắn sẽ góp phần quan trọng đưa Kế hoạch Đầu tư công 2025 được triển khai nhanh và hiệu quả, ngay khi được Quốc hội chính thức thông qua.

Nguồn: Báo Đầu tư