Quay lại

Kinh tế số: Vai trò, hiện trạng, mục tiêu và vấn đề đặt ra

Kinh tế số bao trùm tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, nơi mà công nghệ số được áp dụng. Nếu xét ở tầm vĩ mô thì kinh tế số có đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi công nghệ toàn cầu và tạo ra các giá trị kinh tế lớn thúc đẩy phát triển đất nước.  Do vậy, cần thiết phải nhận biết về vai trò, hiện trạng của kinh tế số và những vấn đề được đặt ra.

Vai trò của kinh tế số có thể được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau. Sự hiện diện của kinh tế số có thể nhìn thấy ở mọi lĩnh vực đời sống, như: cung cấp dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông, nơi cư trú, mua bán hàng online, sử dụng ví điện tử, ứng dụng gọi xe ô tô, xe máy, giao nhận hàng hóa, đặt vé máy bay, đặt đồ ăn, thuê phòng lưu trú, quẹt thẻ thanh toán tiền khi mua hàng hóa tại cửa hàng…

VAI TRÒ CHỦ YẾU CỦA KINH TẾ SỐ 

Ở góc độ tổng quát nhất, kinh tế số có tác động về 4 mặt, đó là: (1) tăng trưởng thương mại điện tử; (2) thúc đẩy người dùng sử dụng Internet; (3) phát triển hệ thống hàng hóa dịch vụ kinh tế số; (4) bảo đảm tính minh bạch - một ưu thế của kinh tế số, từ đó gián tiếp làm giảm lượng tiền tham nhũng thông qua các hoạt động trực tuyến, minh bạch, giúp kiểm soát tốt nền kinh tế.

Những tác động lớn nhất của kinh tế số phải kể đến là: làm giảm chi phí giao dịch, nhất là về thời gian, về tài chính; giảm sự bất cân xứng về thông tin và hoạt động cung- cầu phù hợp hơn; nâng cao hiệu quả sản xuất, như tự động hóa dẫn đến rút ngắn chu kỳ sản xuất, tăng chất lượng và độ tin cậy; số hóa làm giảm các tầng lớp trung gian, liên kết cung-cầu, thông qua các nền tảng kỹ thuật số giúp nâng cao nền tảng kỹ thuật số giúp nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động.

Trong số các tác động trên, rõ rệt nhất là kinh tế số góp phần nâng cao sự minh bạch, thể hiện ở hai khía cạnh. Một mặt, kinh tế số giúp ngăn chặn sự can thiệp, gian dối, chủ nghĩa thành tích ở một số cấp, ngành vào tính khách quan của thông tin (thông mà không tin - không trung thực, khách quan), nhất là các thông tin về kế toán, thống kê. Mặt khác, kinh tế số giúp ngăn chặn, có những chứng cứ kiểm tra giám sát tình trạng tham nhũng, hối lộ khi các thông tin này được xử lý bằng máy tính, truyền đưa thẳng từ cơ sở lên cơ quan xử lý, tổng hợp thông tin, cơ quan có trách nhiệm. Điều này sẽ giúp hạn chế sự can thiệp của tư tưởng thành tích ở một số cấp tổng hợp trung gian.

HIỆN TRẠNG CỦA KINH TẾ SỐ

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP của cả nước qua một số năm gần đây thể hiện ở hình 1.

Theo đó, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP của cả nước có xu hướng giảm từ năm 2022 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu do ngành sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử, sản phẩm quang học - ngành chiếm tỷ trọng hơn 30% tổng giá trị tăng thêm của hoạt động kinh tế số - bị giảm. Điều này chủ yếu là vì nhu cầu của thế giới giảm, làm cho sản xuất, xuất khẩu của ngành này bị giảm. Tuy nhiên, các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm tạo ra do ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong công tác quản lý điều hành lại có xu hướng tăng lên.

Kinh tế số theo nội dung mà Tổng cục Thống kê đưa ra bao gồm các ngành kinh tế số lõi và số hóa các ngành khác. Theo nội dung này, trong năm 2023, ngành kinh tế số lõi đạt 7,42%, chiếm 60,19% tổng tỷ trọng của toàn bộ nền kinh tế số. Số hóa các ngành khác đạt tỷ trọng 4,91%, chiếm 39,81%. Như vậy, ngành kinh tế số lõi chiếm tỷ trọng cao gấp rưỡi số hóa của các ngành còn lại.

Một số ngành có giá trị tăng thêm trung bình các năm 2020-2023 cao, đó là: thương mại bán buôn, bán lẻ chiếm khoảng 13% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước chiếm 4%. Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn chiếm khoảng 2%. Hoạt động phát thanh, truyền hình chiếm khoảng 2%. Hoạt động dịch vụ tài chính chiếm khoảng 2%...

Bên cạnh đó, một số ngành có hoạt động số hóa thấp, như: hoạt động thú y; hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động chăm sóc, điều dưỡng tập trung; sản xuất sản phẩm thuốc lá; xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác (chiếm khoảng 0,002% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số).

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP của các nhóm ngành trong thời kỳ 2020-2023 thể hiện ở hình 2. Theo đó, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP của nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất và có xu hướng tăng lên của các năm; tỷ trọng tương ứng của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng cao thứ hai, nhưng có xu hướng giảm trong hai năm nay; nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản còn ở mức rất thấp.

Bảng 1 cho thấy tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng GRDP theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các năm từ 2020-2023. Theo đó, trong 63 tỉnh, thành phố có 5 tỉnh, thành có tỷ trọng trên 20%; 8 tỉnh, thành có tỷ trọng từ 10-20%; 48 tỉnh, thành có tỷ trọng từ 5-10%; 2 tỉnh, thành phố có tỷ trọng đạt dưới 5%.

KỲ VỌNG 2024 VÀ MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025

Trước hết, cần xác định tốc độ tăng giá trị tăng thêm của kinh tế số. Báo cáo về kinh tế số Đông Nam Á dự báo quy mô giá trị tăng thêm của kinh tế số Việt Nam năm 2024 đạt 52 tỷ USD, so với năm 2020 là 14 tỷ USD, tức gấp 3,71 lần, bình quân 1 năm tăng 30% (tính theo USD), cao hơn nhiều tốc độ tăng GDP theo giá so sánh theo mục tiêu (6,5-7%/năm), suy ra tốc độ tăng theo giá thực tế khoảng 11% và tính theo tốc độ tăng tính bằng USD tăng khoảng 25%/năm.

GDP kinh tế số tính bằng USD năm 2020 đạt 346,6 triệu USD; năm 2021 đạt 362 triệu USD; năm 2022 đạt 410,2 triệu USD; năm 2023 đạt 427,1 triệu USD; dự báo năm 2024 đạt 482,5 triệu USD; năm 2025 đạt 526,6 triệu USD. Theo đó, tốc độ tăng GDP tính bằng USD: năm 2021 tăng 4,44%; năm 2022 tăng 13,31%; năm 2023 ước tăng 4,14%; năm 2024 dự báo tăng 12,94%; năm 2025 dự báo tăng 9,13%.

Dự báo tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số/GDP qua các năm thể hiện ở hình 3.

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đưa một số mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số đến năm 2025 và 2030.

Trong số các mục tiêu kinh tế số đến năm 2025-2030, có một số mục tiêu cơ bản sau:

Một, tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế số/GDP đến năm 2025 đạt 20%, đến năm 2030 đạt 30%.

Mục tiêu đến năm 2025 phải đạt mức 20% là một mục tiêu rất cao xét trên một số góc độ. Thứ nhất, rất cao so với tỷ trọng trong GDP của 21 ngành kinh tế cấp II (chỉ đứng sau 3 ngành là công nghiệp chế biến, chế tạo (năm 2020 đạt 24,78%); nông, lâm nghiệp - thủy sản (12,66%); bán buôn, bán lẻ (9,62%). Thứ hai, cao theo công bố của Tổng cục Thống kê. Thứ ba, cao hơn tỷ lệ của nhiều nước có nền kinh tế số phát triển. Thứ tư, cao do có thể có sự so sánh không đồng chất: GDP thì tính theo giá trị tăng thêm, còn kinh tế số không tính giá trị tăng thêm và tính theo doanh thu (còn bao gồm chi phí trung gian).

Hai, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành tối thiểu đến năm 2025 là 10%, đến năm 2030 là trên 30%.

Có hai vấn đề phát sinh từ mục tiêu này, đó là: (1) Tổng mức bán lẻ là tính theo giá trị sản xuất (bao gồm giá trị tăng thêm và chi phí trung gian), còn kinh tế số tính theo giá trị tăng thêm, tức là không có chi phí trung gian. Việc so sánh này là khập khiễng. (2) Nếu kinh tế số tính theo giá trị sản xuất thì tỷ lệ này lại quá thấp, bởi thương mại điện tử là bộ phận quan trọng của tổng mức bán lẻ, có dư địa rộng nhất, còn lớn hơn ở các ngành, lĩnh vực khác. Hơn nữa, tỷ lệ của lĩnh vực quan trọng này lại thấp xa so với mục tiêu và giá trị tăng thêm (tương ứng năm 2020 là 10% so với 20%, năm 2030 là trên 30% so với 30%).

Ba, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đến năm 2025 là trên 80%, đến năm 2030 là 100%.

Vấn đề đặt ra ở đây là sử dụng hợp đồng điện tử là những hợp đồng gì hay chỉ bao gồm hợp đồng về ứng dụng điện tử, tức là cần mở rộng phạm vi hoạt động kinh tế số đã đề cập trong hình 2.

Bốn, tỷ lệ lao động kinh tế số/lực lượng lao động trên 2% đến năm 2025 và 3% đến năm 2030.

Có hai vấn đề cần xem xét ở mục tiêu này, đó là: (1) Lao động kinh tế số gồm những ai, phạm vi đến đâu? (2) Nếu tỷ lệ nhỏ thế này mà tạo ra tỷ trọng đến 20% và 30% giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP thì tốc độ tăng năng suất lao động cao gấp quá nhiều lần so với số lao động còn lại.

Mục tiêu đặt ra về nguyên lý phải dựa trên hai cơ sở: nhu cầu phát triển và mức thực tế đã đạt được, bảo đảm nguyên tắc quyết tâm, tính chiến đấu và tính khả thi. Trong cơ chế thị trường, tính pháp lệnh (bàn tay hữu hình) giảm đi, tính thị trường (bàn tay vô hình của các quy luật khách quan) tăng lên và cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa bàn tay hữu hình và bàn tay vô hình.

Mục tiêu về kinh tế số hầu như chưa có số thực hiện chính thống để làm căn cứ, nên mục tiêu đề ra chưa đồng bộ và tính khả thi yếu. Số liệu nước ngoài thì rất khác nhau (Mỹ năm 2017 đạt 1,35 nghìn tỷ USD, chiếm 6,9% GDP; Trung Quốc năm 2017 đạt 32,9%, năm 2018 đạt 31,3 nghìn tỷ NDT, khoảng 4,5 nghìn tỷ USD, chiếm 34,8% GDP). Chênh lệch lớn chủ yếu do khác nhau về định nghĩa và khác nhau về phạm vi rộng/lõi/hẹp.

NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI PHÁT TRỂN KINH TẾ SỐ  

Trước hết, đó là thách thức về tư duy nhận thức. Kinh tế số là vấn đề mới, vấn đề cao cấp và là vấn đề khó, đối với nhiều cấp, nhiều ngành nghề, nên có vấn đề về tư duy nhận thức là khó tránh khỏi. Công tác tuyên truyền đã làm thường xuyên, liên tục và trên phạm vi rộng, không chỉ ở Trung ương mà đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở; nhưng cần cụ thể hơn, thiết thực hơn.

Hai, thách thức lớn là môi trường pháp lý và thể chế phát triển kinh tế số chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ. Mục tiêu tập trung vào sản xuất (giá trị tăng thêm), nhưng đề cập còn ít đến lao động, vốn đầu tư, doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận…

Ba, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Không chỉ hạn chế về cơ sở vật chất, kể cả cơ sở dữ liệu, đường truyền, mà quan trọng hơn là còn rất phân tán, sự kết nối, liên thông rất hạn chế. Mặc dù là tài sản công, nhưng lại bị cát cứ ở nhiều bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã…

Bốn, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực công nghệ thông tin ít về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng, có người chuyên môn đơn thuần.

Năm, số doanh nghiệp nội địa còn nhỏ yếu, việc tiếp cận còn ít. Các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh về công nghệ thông tin, nhưng việc lan tỏa sang khu vực nội địa còn ít.

Sáu, nền kinh tế tiền mặt còn lớn. Mặc dù tỷ lệ tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng trong tổng phương tiện thanh toán đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao...

Nguồn: TBKTVN