Kinh tế xanh: Động lực phát triển mới cho TP.HCM
Hiện các quốc gia trên thế giới cũng đang đưa kinh tế xanh làm trung tâm của kế hoạch phát triển đất nước, hướng đến mục tiêu giảm khí thải nhà kính tối đa.
CẦN CƠ CHẾ CHO KINH TẾ XANH
Vấn đề chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh của TP.HCM cần dựa trên 6 trụ cột, như: điện áp mái, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thu hút nhà đầu tư chiến lược về năng lượng sạch, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về năng lượng sạch.
Đây là thông tin được TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS), đưa ra tại tọa đàm "Xây dựng và phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM", do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) tổ chức ngày 18/4/2023.
Ông Vũ cho rằng để kinh tế TP.HCM đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2023 đòi hỏi sự tập trung lãnh đạo của chính quyền thành phố để triển khai hiệu quả các nghị quyết về cơ chế đột phá, giải quyết các điểm nghẽn và tạo động lực phát triển mới, trong đó có kinh tế xanh.
Các diễn giả tham dự tọa đàm "Xây dựng và phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM" - Ảnh: PC.
Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, kinh tế xanh là quá trình chuyển đổi mà Việt Nam phải trải qua để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và chống chọi với biến đổi khí hậu. Trong đó, TP.HCM - trung tâm công nghiệp, tài chính của Việt Nam - sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi này.
Có 7 lĩnh vực tác động chủ yếu đến kinh tế xanh của thành phố, như: phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển…
"Để làm những điều này, TP.HCM cần chọn lựa để phát triển bền vững với hệ thống văn bản, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện sản xuất xanh. Có chính sách đầu tư tài chính, ngân hàng mạnh mẽ vào các dự án xanh như năng lượng, vận tải, sản xuất… Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực ứng dụng xanh, bảo vệ môi trường; khuyến khích khởi nghiệp xanh", ông Bình nhấn mạnh.
PHÁT TRIỂN ĐIỆN MẶT TRỜI ÁP MÁI?
Còn theo ông Phạm Nam Phong, Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group, việc phát triển để sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà, là giải pháp cần thiết, sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng và phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM.
Theo đó, sử dụng điện mặt trời sẽ là giải pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả để xây dựng nền kinh tế carbon thấp, nền kinh tế xanh tại TP.HCM. Bởi vì, lĩnh vực năng lượng hiện chiếm khoảng 30% tổng phát thải.
Trong khi đó, TP.HCM có tiềm năng rất lớn để chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm 2022, công suất điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM mới đạt hơn 358 MWp – con số còn rất nhỏ so với tổng tiềm năng kỹ thuật theo tính toán có thể đạt hơn 5.000 MWp.
Do có nhu cầu phụ tải cao, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM hoàn toàn không gây áp lực lên hệ thống lưới điện, ngược lại còn giúp tăng thêm nguồn cấp điện tại chỗ, tăng năng lực cung ứng cho hệ thống điện thành phố, có ý nghĩa quan trọng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của TP.HCM (trung bình GDP tăng trưởng 1% thì nhu cầu tiêu thụ điện tăng 1,5%, đồng nghĩa nhu cầu tiêu thụ năng lượng hàng năm tại TP.HCM tăng ít nhất 10%).
Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp tại TP.HCM tiên phong về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, sử dụng các giải pháp năng lượng tái tạo, nhưng còn khá đơn lẻ. Trong khi đó, xu hướng về kinh tế xanh, phát triển bền vững đang diễn ra trên toàn cầu, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã yêu cầu xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng. Do vậy, nếu các doanh nghiệp không chủ động sử dụng năng lượng sạch thì sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận đơn hàng.
Chính vì thế, các doanh nghiệp cần chủ động cũng như cần có sự hỗ trợ để chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, chủ động áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó đồng thời góp phần xây dựng, phát triển nền kinh tế xanh tại TP.HCM.
Ông Phong thông tin thêm, hiện nay TP.HCM đang đưa ra đề xuất Chính phủ cho phép phát triển điện mặt trời mái nhà trên trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố. Nếu sử dụng giải pháp tài chính tương tự bằng cách tận dụng nguồn vốn từ tư nhân bên cạnh phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố thì sẽ giải quyết được rào cản về tài chính.
Nghị định 06 của Chính phủ (ban hành ngày 07/01/2022) quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, đã quy định chi tiết các cơ sở theo từng lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo từng giai đoạn.
Do vậy, khi hướng tới mục tiêu tiên phong về trung hoà phát thải carbon, nếu TP.HCM cũng đưa ra các yêu cầu về lộ trình để các tòa nhà, cơ sở đạt trung hòa carbon, đây sẽ là động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp thực hiện việc giảm phát thải.
Như vậy, để xây dựng và phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM cần nguồn lực và quyết tâm rất lớn của tất cả các bên, đặc biệt cần sự phối hợp của các cơ quan ban ngành và các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tư nhân.
“Cần chung tay thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giúp TP.HCM đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế xanh và tiên phong theo định hướng của quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững”, ông Phong chia sẻ.
Nguồn: TBKTVN